Nguyên liệu khan hiếm, PNJ phải tái chế trang sức bán lại

11/11/2024, 18:28

TCDN - Trước tình hình giá vàng thế giới tăng cao và khó khăn trong việc mua vàng nguyên liệu, PNJ đã phải thực hiện tái chế các sản phẩm trang sức chậm bán thành các mặt hàng mới.

Tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư vừa diễn ra, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, trước tình hình giá vàng thế giới tăng cao và khó khăn trong việc mua vàng nguyên liệu, PNJ đã phải thực hiện tái chế các sản phẩm trang sức chậm bán thành các mặt hàng mới. Đồng thời, công ty cũng tái cơ cấu danh mục sản phẩm hướng tới các sản phẩm có hàm lượng vàng thấp hơn như các loại trang sức thời trang đính đá.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

PNJ cũng đưa ra khuyến khích khách hàng bán lại trang sức của họ. Theo công ty chứng khoán Vietcap, tỷ lệ mua lại trên tổng doanh thu của PNJ hiện ở mức xấp xỉ 10%, cao hơn mức 5% trong giai đoạn 2022-2023.

Những khó khăn chung trên thị trường vàng khiến PNJ có một quý kinh doanh thấp nhất trong nhiều năm.

Ba nguyên nhân chính dẫn tới sự sa sút này gồm: Thị trường trang sức bước vào mùa thấp điểm; chi phí tăng do giá nguyên liệu tăng và PNJ tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh và cuối cùng là mức thuế phải nộp tăng đột biến.

Trong đó, chi phí đóng thuế tăng cao là nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận PNJ giảm mạnh.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, PNJ đạt 318 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - tăng 1,6% so với năm ngoái nhưng số thuế công ty phải nộp tăng gần 70%, từ 60 tỷ lên 102 tỷ đồng.

Chia sẻ về lý do thuế thu nhập doanh nghiệp cao bất thường trong quý III/2024, ban lãnh đạo PNJ cho biết chủ yếu do các khoản chi phí dự phòng cho hàng tồn kho, vì công ty đang thực hiện thanh lý hàng tồn kho và tái chế các sản phẩm mua lại.

Điều này thể hiện rõ hơn trong báo cáo tài chính riêng lẻ khi lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 293 tỷ đồng, nhưng có 136 tỷ đồng chi phí không được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế, khiến cho thuế thu nhập doanh nghiệp tăng vọt.

“Cuối tháng 9, công ty vẫn chưa hoàn tất các hoạt động này và đã tiếp tục thực hiện vào tháng 10/2024. Tuy nhiên, thuế thu nhập hiện hành của PNJ có thể sẽ trở lại mức bình thường vào quý 4/2024”, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh cuối năm, ban lãnh đạo PNJ cho biết, mặc dù gặp khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu, PNJ vẫn có thể duy trì lượng hàng tồn kho ở mức an toàn đáp ứng cho mùa cao điểm vào quý 4/2024 đến quý 1/2025.

Trong giai đoạn khó khăn, công ty đã giành thêm thị phần, với doanh thu bán lẻ tăng mạnh 16% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2024, vượt trội so với các đối thủ bị ảnh hưởng nặng nề bởi khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu và đóng cửa hàng.

Mặt khác, PNJ cũng thử nghiệm các dòng sản phẩm mới. Doanh nghiệp đang thử bán các trang sức và phụ kiện cho nam giới dự kiến bán theo hình thức shop-in-shop tại một số cửa hàng bắt đầu từ quý 4/2024 và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong năm 2025.

Dựa trên kết quả thử nghiệm và tỷ lệ thâm nhập sử dụng trang sức của nam giới Việt Nam còn thấp, ban lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng đây là một cơ hội tiềm năng mà công ty có thể khai thác.

Đánh giá về triển vọng của PNJ, Công ty chứng khoán DSC đánh giá rằng rủi ro thiếu hụt nguồn cung của PNJ đối với các mảng kinh doanh cốt lõi là không quá lớn.

Lượng hàng tồn kho của PNJ cũng tăng đáng kể khi đạt mức xấp xỉ 11.000 tỷ đồng với thời điểm cuối quý 3, tăng 11% so với quý trước đó. Điều này cho thấy PNJ đã chuẩn bị cho mùa cao điểm bán hàng.

DSC dự đoán rằng việc mở rộng hệ thống và ra mắt các bộ sưu tập mới sẽ góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh mùa cao điểm mua sắm tới gần.

PV
Bạn đang đọc bài viết Nguyên liệu khan hiếm, PNJ phải tái chế trang sức bán lại tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thành lập sàn giao dịch vàng: Sẽ xem xét, đánh giá kỹ
Tại phiên chất vấn sáng 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc thành lập sàn giao dịch vàng có những mặt tích cực nhưng để thành lập sàn phải đầu tư về cơ sở hạ tầng trong khi Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng.
Giá vàng miếng giảm 200.000 đồng/lượng
Sau chuỗi ngày biến động, giá vàng trong nước được điều chỉnh nhẹ với vàng miếng giảm 200.000 đồng chiều bán. Trên thế giới, thị trường vàng đã trải qua tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 5, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể từ các đợt tăng giá gần đây.