Nhận diện các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn điện tử

24/04/2023, 15:37
báo nói -

TCDN - Cục Thanh tra, Kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, vẫn còn một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn với các thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp.

Qua thực tiễn quản lý địa phương và qua một số vụ án, Cục Thanh tra, Kiểm tra, Tổng cục Thuế tổng hợp một số hành vi gian lận hóa đơn điện tử; dấu hiệu để nhận diện các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật về hóa đơn và biện pháp cách thức đấu tranh.

Các hành vi gian lận hóa đơn điện tử thực tế phát sinh

Các đối tượng đã sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật (những người không hiểu biết, thương binh,...), thành lập chuỗi doanh nghiệp trung gian hoặc mua lại các doanh nghiệp và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Đăng ký thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bằng hình thức qua mạng. Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán qua internet Banking. Sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khai thác thông tin các doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử để liên hệ bán trái phép hóa đơn điện tử.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Để hợp thức cho các hóa đơn đã bán có những mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm… các đối tượng làm con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng…) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn.

Các đối tượng thành lập hoặc chuyển địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để bán hóa đơn có các mặt hàng phù hợp với từng địa bàn, từng tỉnh và phù hợp với mặt hàng xuất bán như nguyên liệu, hàng hóa, nhân công, thuê máy…

Khi kê khai thuế, các đối tượng kê khai đúng số liệu trên hóa đơn đầu ra đã lập nhưng kê khai khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, thuế GTGT đầu vào dẫn đến số thuế phải nộp trên tờ khai rất thấp, thậm chí không phát sinh phải nộp.

Các đối tượng xuất bán hàng hóa thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%, 10% nhưng không xuất hóa đơn. Sau đó, để hợp thức hóa kho hàng, các đối tượng tìm kiếm thông tin doanh nghiệp trên mạng xã hội và lập hóa đơn khống, trong đó ghi hàng hóa thuộc đối tượng không phải kê khai, nộp thuế GTGT để trốn thuế.

Các dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử

Các đối tượng thành lập cùng lúc nhiều doanh nghiệp hoặc mua lại doanh nghiệp đã hoạt động được một thời gian, sau đó đăng ký hoặc thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật để xuất bán hóa đơn trong một thời gian ngắn (trên dưới 1 năm) và ngừng hoạt động để tránh việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thuế.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này thay đổi địa chỉ liên tục, khi biết cơ quan thuế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng hoạt động (có trường hợp khi ban hành quyết định kiểm tra hoặc thông báo giải trình thì doanh nghiệp ngừng hoạt động và khóa liên hệ điện thoại cũng như các giao dịch khác).

Doanh nghiệp thành lập mới hoặc doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý do người đứng tên giám đốc, đại diện pháp luật có công ty đã bị cơ quan thuế ban hành thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn.

Doanh nghiệp thường xuyên thay đổi địa điểm trong cùng một địa bàn, không thay đổi về cơ quan thuế quản lý nhưng thay đổi cán bộ quản lý (do cơ quan thuế phân công cán bộ quản lý theo địa bàn) để tránh việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.

Doanh nghiệp thành lập nhiều năm không phát sinh doanh thu, sau đó chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác. Sau khi nhận chuyển nhượng, các đối tượng có hành vi xuất bán hóa đơn nên doanh thu tăng đột biến. Sau đó tạm ngừng kinh doanh hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh.

Doanh nghiệp thành lập do các cá nhân có quan hệ gia đình cùng tham gia góp vốn như vợ/chồng, anh, chị, em ruột.

Doanh nghiệp nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu trên hệ thống dữ liệu hóa đơn, có số lượng lao động đăng ký trong hồ sơ khai thuế thấp, TSCĐ không có hoặc có nhưng rất thấp, số lượng hóa đơn sử dụng lớn, số lượng hóa đơn hủy nhiều, số lượng khách hàng bán ra lớn (chiếm từ 40% so với số lượng hóa đơn bán ra trong kỳ, sau khi trừ hóa đơn hủy).

Doanh nghiệp mới hoạt động nhưng có doanh thu thuế GTGT tăng đột biến trong khi vốn chủ sở hữu không tăng hoặc tăng không nhiều.

Doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn hóa đơn trong một thời gian ngắn, kinh doanh nhiều mặt hàng, nhiều ngành nghề phức tạp nhưng không có kho hàng, không có cửa hàng, trụ sở đi thuê hoặc thuê văn phòng ảo (thuê chỗ ngồi cho 1-2 người).

Doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng.

Trong cùng kỳ khai thuế, doanh nghiệp kê khai chỉ tiêu về hàng hoá GTGT mua vào và doanh thu GTGT (xuất bán) có số tiền đột biến tăng, trong đó tỷ lệ giữa hàng hoá mua vào và hàng hoá bán ra có chênh lệch thấp.

Doanh nghiệp lập hóa đơn điện tử đầu ra có giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra lớn hơn nhiều so với giá trị hàng hóa dịch vụ bán ra trên hồ sơ khai thuế GTGT cùng kỳ hoặc lập hóa đơn điện tử đầu ra nhưng không kê khai trên hồ sơ khai thuế rồi tạm ngừng hoạt động hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh.

Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT mua vào trên tờ khai thuế cao hơn hóa đơn GTGT trên hệ thống dữ liệu hóa đơn (kê khai khống thuế GTGT đầu vào).

Doanh nghiệp kê khai các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mua vào có mặt hàng khác biệt so với mặt hàng trên hóa đơn bán ra (ví dụ kê khai hóa đơn mua vào mặt hàng xăng dầu, sữa, nước khoáng, mì tôm… nhưng mặt hàng trên hóa đơn bán ra là cát, đá, khối lượng công trình, nhân công) hoặc lập hóa đơn đầu ra nhưng không phù hợp với quy mô và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có doanh thu phát sinh lớn nhưng kho hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Nhận diện các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn điện tử tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngành thuế chống gian lận hóa đơn điện tử
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu các Cục Thuế tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử; phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử.
Tổng cục Thuế: Đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng mua bán hóa đơn điện tử
Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị liên quan cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế, hậu quả pháp lý khi mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử để thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế; phát hiện kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng mua bán hóa đơn điện tử.