Nhân viên ngành ngân hàng ở Mỹ đối mặt làn sóng sa thải

07/12/2022, 19:59
báo nói -

TCDN - Văn hóa làm việc điên cuồng trong ngành ngân hàng ở Mỹ đã lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho làn sóng sa thải nhân sự hàng loạt.

Một nguồn thạo tin nói với CNBC rằng, tập đoàn ngân hàng đầu tư toàn cầu Morgan Stanley sẽ cắt giảm khoảng 2% lực lượng lao động. Hiện tại tập đoàn có 81.567 nhân viên. Đợt sa thải sẽ ảnh hưởng tới 1.600 nhân viên và gần như mọi ngóc ngách của ngân hàng đầu tư toàn cầu.

Cùng với các đối thủ khác như Goldman Sachs, Citigroup và Barclays, ngân hàng đầu tư có trụ sở ở Mỹ đã khởi động lại "nghi thức Phố Wall" là sa thải nhân viên không đạt chỉ tiêu mỗi năm. Ngành ngân hàng đã tạm dừng nghi thức này trong thời kỳ dịch bệnh.

Đà tăng chững lại vì Fed

Ngành ngân hàng ở Mỹ thường giảm 1-5% lực lượng lao động trước khi trả thưởng. Thông lệ ấy giúp những nhân viên còn lại nhận thưởng nhiều hơn.

Từ năm 2020, ngành ngân hàng đã tạm dừng việc sa thải nhân viên thường niên. Lần cắt giảm nhân sự gần nhất của Morgan Stanley diễn ra vào năm 2019.

Đại dịch đã tạo ra sự bùng nổ trong các giao dịch trên toàn cầu suốt 2 năm. Nhưng đà tăng trưởng đã dừng trong năm nay do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất mạnh tay để kìm hãm lạm phát.

Morgan Stanley

Morgan Stanley nổi tiếng với bộ phận quản lý tài sản khổng lồ và các hoạt động tư vấn, giao dịch hàng đầu. Theo nguồn tin của CNBC, nhóm cố vấn tài chính là một trong số vài bộ phận miễn nhiễm với đợt giảm vì họ tạo ra doanh thu cho ngân hàng nhờ quản lý tài sản của khách hàng.

Giống với các công ty khác trong ngành, Morgan Stanley tuyển thêm số lượng lớn nhân viên trong những năm qua. Theo Bloomberg, đại dịch đã tạo ra "Thế hệ P Phố Wall", chữ P trong "Pandemic", nghĩa là đại dịch.

Văn hóa "làm việc đến khi gục ngã" nổi lên trong giới tài chính toàn cầu khi dịch COVID-19 khiến các tòa tháp văn phòng ở thành phố New York, London hoang lạnh. Một cuộc khảo sát nội bộ với 13 chuyên viên phân tích đầu tư của Goldman Sachs cho thấy bức tranh u ám về môi trường làm việc tại ngân hàng khổng lồ này.

Hơn 10 chuyên viên phân tích mới của Goldman Sachs than thở rằng họ phải làm việc trung bình 95 giờ/tuần, chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm và bị lạm dụng ở nơi làm việc. Đa số thừa nhận sức khỏe tinh thần của họ tệ hơn nhiều sau khi làm việc tại ngân hàng.

"Nhiều nhân viên tìm cách thoát khỏi ngành. "Nhiều người đã để tâm và bắt đầu hối hận. Đó là một cuộc chiến giữ chân nhân viên khó khăn", ông Logan Naidu, Giám đốc điều hành của Dartmouth Partners, bình luận.

Gió đổi chiều với nhân viên ngành ngân hàng

Nói với Reuters vào tuần trước, Giám đốc điều hành Morgan Stanley, ông James Gorman, tiết lộ ngân hàng đang chuẩn bị cho "các đợt cắt giảm nhỏ". Nhưng ông từ chối tiết lộ thời điểm cụ thể và mức độ ảnh hưởng của việc sa thải.

"Một số người sẽ phải đi. Đó là việc mà đa số doanh nghiệp phải làm sau nhiều năm tăng trưởng", ông nói thêm.

Trên thực tế, thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp các nỗ lực của Fed. Trong tháng 11, Mỹ có thêm 263.000 việc làm phi nông nghiệp. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao gấp đôi ước tính của Dow Jones.

Song thực tế ấy có thể buộc Fed phải tiếp tục mạnh tay trong việc tăng lãi suất, bởi Fed sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm để kìm hãm lạm phát.

Một loạt doanh nghiệp lớn đã sa thải hàng loạt trong thời gian qua, bao gồm AMC Networks, DoorDash và sàn giao dịch tiền mã hóa Kraken.

Hàng chục nghìn người làm trong lĩnh vực công nghệ mất việc. Các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Twitter và Meta - công ty chủ quản của Facebook - cũng phải sa thải hàng loạt để cắt giảm chi phí.

Tùng Lâm/Theo CNBC
Bạn đang đọc bài viết Nhân viên ngành ngân hàng ở Mỹ đối mặt làn sóng sa thải tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan