Nhật Bản thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với 2 thứ thuế cao

06/10/2021, 15:55

TCDN - Tại Nhật Bản, hai thứ thuế rất cao được áp dụng đã thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội một cách nhanh chóng.

covid-19- nhat-ban-100920

Theo NetEase, Nhật Bản từng được ca ngợi là kỳ tích kinh tế châu Á khi phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, đứng vào hàng ngũ các nước phát triển chỉ sau chiến tranh khoảng 40 năm. 

Thời kỳ bong bóng kinh tế những năm 1985, khoảng 83% người Nhật tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu. Đến giai đoạn hậu bong bóng, con số này vẫn ở mức khá cao là hơn 60%.

Tuy nhiên, đến hiện tại, nền kinh tế đất nước mặt trời mọc vẫn có được sự thịnh vượng và giàu có mà không tạo ra chênh lệch giàu nghèo quá lớn. Nguyên nhân then chốt ở đây chính là hệ thống phân phối thứ cấp dựa trên thuế.

Nhờ có hệ thống thuế toàn diện và hiệu quả, đất nước này đã san sẻ "êm thấm" một phần thu nhập từ nhóm giàu có sang nhóm người nghèo. Trong đó, hai thứ thuế rất cao của Nhật đóng nhiệm vụ chính để giảm khoảng cách giàu nghèo chính là THUẾ THỪA KỀ và THUẾ QUÀ TẶNG. Trong đó, thuế thừa kế ở Nhật có mức cao nhất lên tới 55%. 

Người nước ngoài sống ở Nhật trên 10 năm đều phải chịu thuế thừa kế của đất nước này cho cả phần tài sản thừa kế bên ngoài Nhật Bản.

Hàn Quốc cũng là quốc gia áp dụng thuế thừa kế khá cao, lên đến 50%. Hơn nữa, nếu người thừa hưởng trở thành cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp gia đình, mức thuế sẽ tăng lên 65%.

Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, thuế quà tặng cũng được đặt ra để ngăn người giàu tẩu tán tài sản và trốn thuế thừa kế. Khi trao tặng của cải cho bạn bè, người thân và con cái, họ vẫn phải nộp thuế quà tặng 10% nếu giá trị quà tặng vượt quá 2 triệu yên/năm (hơn 18,000 USD). 

Trong trường hợp giá trị quà tặng vượt quá 30 triệu yên/năm (270,000 USD), họ phải nộp thuế lên tới 50%.

Việc áp dụng hai loại thuế này đã khiến những gia đình giàu có tại Nhật trở thành gia đình bình thường chỉ sau khoảng ba thế hệ.

Bên cạnh đó, thuế thu nhập cá nhân của Nhật Bản cũng được quy định chặt chẽ. Mức thấp nhất là 5%, tương ứng với người có thu nhập hàng năm dưới 1,95 triệu yên (khoảng 18,000 USD). Mức cao nhất tăng lên tới 45%, tương ứng người có thu nhập hàng năm trên 40 triệu yên (khoảng 360,000 USD).

Đối với các khoản lãi thu được từ đầu tư chứng khoán, các loại trái phiếu hay lãi tiền gửi ngân hàng, Nhật Bản cũng thiết lập mức thuế 20%. Đất đai và nhà cửa sẽ chịu thuế bất động sản là 1,4%.

Đất nước mặt trời mọc cũng xây dựng hệ số Gini, là chỉ số tổng hợp để đo lường bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của một quốc gia. Cứ mỗi 3 năm một lần, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ tiến hành thu thập số liệu để tiến hành điều tra phân phối thu nhập, tính toán lại hệ số này.

Theo CNBC, tại những công ty lớn của Mỹ, các CEO được trả mức thu nhập cao hơn gấp 300 lần so với nhân viên bình thường. 

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, rất ít người có thu nhập hàng năm hơn 100 triệu yên (khoảng 896,000 USD). Tuy đây là đất nước sở hữu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, thu nhập hàng năm của các CEO Nhật Bản hoàn toàn không đáng kể nếu so sánh với CEO tại Mỹ.

Lối sống kín đáo của người Nhật cũng khiến người ngoài khó có thể phân biệt đâu là người giàu và đâu là người bình thường. Những người có thu nhập cao tại Nhật rất ngại phô trương tài sản của mình. Đó là lý do mà rất hiếm người đến Nhật được nhìn thấy các khu nhà siêu giàu.

Theo NetEase, chỉ có khoảng 540 CEO Nhật Bản nhận thu nhập hàng năm hơn 100 triệu yên. 

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Nhật Bản thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với 2 thứ thuế cao tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan