Nhiều sai sót về hoạt động tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia A0

19/07/2023, 08:14
báo nói -

TCDN - Bộ Công Thương vừa nêu rõ nhiều sai sót về hoạt động tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia như dự báo sai mực nước thủy điện, đánh giá sai số phụ tải...

A0 dự báo sai nhu cầu phụ tải

Theo báo cáo của A0 với đoàn thanh tra về công tác dự báo nhu cầu phụ tải điện quốc gia và 3 miền năm 2021, 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, thực tế đã đánh giá sai số phụ tải. Riêng năm 2023, sai số dự báo phụ tải ngoài phạm vi cho phép (3%) ở các tháng 1, 2 và 4.

Cụ thể, tháng 1 dự báo chênh với thực tế 7,6%; tháng 2 dự báo chênh với thực tế 4%; tháng 4 dự báo chênh với thực tế 5,1%. Đối với dự báo nhu cầu phụ tải của năm cũng vậy. Năm 2021, tháng 3 dự báo chênh với thực tế 7%; năm 2022, tháng 2 dự báo chênh với thực tế 5,7%, tháng 6 dự báo chênh với thực tế 3,6%; tháng 4/2023 cũng vậy. Thủy văn tháng 3 có xu hướng thấp hơn so với dự báo kế hoạch năm, đồng thời thấp hơn so với dự báo của phương thức tháng 3 nhưng A0 dự báo thủy văn nước về tháng 4/2023 cao hơn kế hoạch năm 2023. Dự báo này là chưa sát với diễn biến thực tế khi xu hướng phụ tải, thủy văn đã thay đổi.

Dự báo sai của A0 còn thể hiện rõ trong việc khởi động tổ máy S3 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng. Tại Công văn ngày 14/4/2023 về việc huy động các tổ máy than nhập tháng 4/2023, A0 kiến nghị EVN: “Trong thời gian tới, trường hợp phụ tải có xu hướng tăng cao hoặc một số tổ máy nhiệt điện than bị ngừng hay giảm công suất do thiếu than, sự cố…,khi đó có thể sẽ phải huy động thêm các tổ máy còn dự phòng trên hệ thống theo thứ tự S3 Duyên Hải 3 MR, S-S2 Duyên Hải 2, S1-S2 Duyên Hải 3”.

Thanh tra Bộ Công Thương nêu nhiều sai sót của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia A0.

Thanh tra Bộ Công Thương nêu nhiều sai sót của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia A0.

Theo báo cáo sản xuất ngày 16/4/2023 của A0: lúc 10 giờ 55, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đã khởi động tổ máy S3 (dự kiến sau 41 giờ hòa lưới). Tuy nhiên, lúc 18 giờ 45, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng lại bị ngừng quá trình khởi động S3; đến 10 giờ 8 phút ngày 20/4/2023, nhà máy này được A0 lệnh khởi động tổ máy S3 trở lại. Thực tế phải đến 23 giờ 7 phút ngày 23/4/2023, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng mới được hòa lưới tổ máy S3. Như vậy, thời gian từ khi khởi động đến hòa lưới của tổ máy S3 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng kéo dài hơn 7 ngày, dẫn đến phải huy động bổ sung sản lượng điện của các nguồn thủy điện gây giảm mực nước và các nguồn nhiệt điện chạy dầu.

Sự việc cũng xảy ra khi huy động Nhà máy Nhiệt điện BOT Duyên Hải 2, ngày 28/4/2023, EVN báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng nguy cấp về cung ứng điện, vì tình trạng nhiều hồ thủy điện mực nước thấp hoặc thấp hơn quy định. Tuy nhiên, tại thời điểm này, A0 không tiếp tục kiến nghị EVN bằng văn bản về việc huy động Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 để giữ mực nước thượng lưu các hồ thủy điện trong mùa khô theo quy định của các quy trình vận hành liên hồ chứa, hồ chứa thủy điện. Thực tế, cho đến ngày 5/5/2023, các tổ máy S2, S1 của Nhà máy Nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 mới được hòa lưới. Như vậy, việc huy động Nhà máy Nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 là chậm trễ so với tình huống cấp bách của hệ thống điện.

Theo kết luận thanh tra, khá nhiều báo cáo tuần, tháng, năm của A0 bị chậm trễ cho EVN, cụ thể: năm 2021, có 46/52 tuần gửi chậm; năm 2022, có 38/52 tuần; năm 2023 có 16/24. EVN lại không khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc A0 thực hiện đảm bảo thời hạn theo quy định dẫn đến việc phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện tuần chậm tại một số thời điểm trong năm 2021, năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023.

Báo cáo chậm trễ, dự báo sai mực nước

Cũng theo kết luận thanh tra, khá nhiều báo cáo tuần, tháng, năm của A0 bị chậm trễ: Năm 2021, có 46/52 tuần gửi chậm; năm 2022, có 38/52 tuần; năm 2023 có 16/24. Trong khi đó, EVN lại không khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc A0 thực hiện đảm bảo thời hạn theo quy định dẫn đến việc phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện tuần chậm tại một số thời điểm trong năm 2021, năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023.

Về dự báo mực nước, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương chỉ rõ, theo báo cáo của A0, tính đến ngày 31/12/2022, tổng sản lượng tích trong hồ đạt 12,96 tỷ kWh, hụt 2,1 tỷ kWh so với mức nước dâng bình thường (thấp hơn 1,5 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2022), đạt 86% dung tích toàn hệ thống.

Trong đó, miền Bắc đạt 6,67 tỷ kWh, hụt 1,26 tỷ kWh so với mức nước dâng bình thường (thấp hơn 1,04 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2022), đạt 84% dung tích toàn miền Bắc. Việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022 và tiếp tục huy động thủy điện đầu năm 2023 do A0 thực hiện theo chỉ đạo của EVN.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, tính toán trên số liệu, báo cáo của EVN và A0 cho thấy, trong giai đoạn 2021-2023, tại một số thời điểm, mực nước của các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Trung Sơn, Bản Vẽ, Sông Tranh 2, A Vương, Krông H’Năng, Sông Hinh, Buôn Tua Srah, Thượng Kon Tum, Ialy, Đồng Nai 3, Đại Ninh, Trị An, Sông Bung 4, Hàm Thuận, Thác Mơ dưới ngưỡng mực nước theo quy định tại Phụ lục III của các Quy trình liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, việc hạ mực nước xuống dưới mực nước tối thiểu của các hồ chứa thủy điện đã gây ảnh hưởng đến đảm bảo cấp nước cho các nhu cầu hạ du và phục vụ phát điện cho hệ thống điện trong những thời đoạn tiếp theo.

Từ tháng 7/2022, việc tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn khu vực phía Bắc, gồm 8 hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà (thuộc lưu vực sông Hồng); Trung Sơn (thuộc lưu vực sông Mã); Bản Vẽ (thuộc lưu vực sông Cả) làm giảm mực nước các hồ so với kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022, mặc dù đã được dự báo và quan trắc về số liệu thủy văn, về lưu lượng nước về chỉ đạt 60 - 80% so với trung bình nhiều năm.

Việc huy động vận hành các hồ chứa thủy điện nêu trên làm giảm mực nước các hồ chứa so với kế hoạch năm và thấp hơn đáng kể so với mực nước dâng bình thường, ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 và dẫn đến công tác vận hành chưa sát thực tế thủy văn, chưa chủ động trong các kịch bản ứng phó, đảm bảo cung cấp điện.

Trong các tháng 3, 4, 5 năm 2023, các nhà máy thủy điện vẫn được huy động cao, dẫn đến giảm mực nước các hồ thủy điện. Hầu hết các hồ miền Bắc và một số hồ miền Trung, miền Nam không đảm bảo mực nước theo kế hoạch. Cuối tháng 5/2023, các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà về gần mực nước chết, ảnh hưởng đến việc sẵn sàng phát điện, cung cấp điện cho hệ thống điện; chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình giữ được mực nước cao sẵn sàng phát điện đáp ứng điều chỉnh tần số của hệ thống điện và cung cấp điện miền Bắc.

"Như vậy, việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022, làm mực nước các hồ thủy điện giảm so với mực nước trong kế hoạch vận hành hệ thống điện được duyệt, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 là không tuân thủ kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021", kết luận chỉ rõ.

Đồng thời, việc tiếp tục huy động cao sản lượng thủy điện năm 2023 theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên EVN làm giảm mực nước các hồ thủy điện trong các tháng đầu năm, gây mất cân đối cơ cấu nguồn điện, ảnh hưởng cung cấp điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô 2023 cho hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc.

Ngày 14/6/2023, EVN đã tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đối với ông Nguyễn Đức Ninh để phục vụ cho công tác thanh tra chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện.

PV
Bạn đang đọc bài viết Nhiều sai sót về hoạt động tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia A0 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan