Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc khiến hai siêu tập đoàn chật vật
TCDN - Hai siêu tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới đang phải nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu cao kỷ lục của Trung Quốc.
Hồi cuối tuần trước, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc xác nhận rằng, trong tháng 3 năm nay, sản lượng thép thô của đất nước tỷ dân đạt 94,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng hợp kim của Trung Quốc cũng tăng mạnh.
Trong phiên giao dịch ngày 19/4, giá quặng sắt đã tăng vọt lên hơn 180 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu đạt đỉnh về phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Để hoàn hành mục tiêu ấy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi giảm sản lượng thép từ mức kỷ lục hơn 1 tỷ tấn.
Song những động thái ban đầu nhằm kìm chân các nhà sản xuất thép lại khiến giá tăng lên và mang lại lợi nhuận cho các nhà máy luyện thép. Nó cũng tác động đến nhu cầu và giá quặng sắt - vật liệu thô chủ chốt để chế biến thép.
Song, trong quý I năm nay, hai nhà khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới là Rio Tinto và Vale đều đối mặt hoàn cảnh không thuận lợi. Các chuyến hàng của siêu tập đoàn Rio Tinto (trụ sở tại Anh) gián đoạn nghiêm trọng do thời tiết ẩm ướt hơn bình thường tại khu mỏ Pilbara ở phía tây của Australia.
Còn Vale (trụ sở tại Brazil) sản xuất khoảng 68 triệu tấn quặng sắt trong quý I/2021, thấp hơn dự đoán 72 triệu tấn của các nhà phân tích. Quá trình phục hồi chậm sau sự cố vỡ đập năm 2019 có thể là nguyên nhân khiến sản lượng quặng sắt của siêu tập đoàn này không cao như kỳ vọng.
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ Banking Group, nhận định: "Thị trường đang tương đối thiếu nguồn cung. Khả năng cao là các công ty khai khoáng không thể đáp ứng nhu cầu quặng sắt trong giai đoạn hiện tại. Đây là yếu tố thuận lợi cho giá quặng sắt trong thời gian tới".
Đến nay, Vale và Rio Tinto vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng cho cả năm 2021, dù tốc độ phục hồi chậm hơn dự kiến của Vale có thể khiến các nhà đầu tư trên thị trường quặng sắt điều chỉnh kỳ vọng của họ, ông Hynes nhấn mạnh.
Rio Tinto cảnh báo rằng dự báo sản lượng năm 2021 lên đến 340 triệu tấn của tập đoàn vẫn đối mặt với một số rủi ro về giao vận. Tháng 4 vừa qua, cơn bão nhiệt đới Seroja cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của Rio Tinto tại mỏ Pilbara.
Một báo cáo của nhà phân tích Tyler Broda thuộc công ty RBC Capital Markets nhận định kết quả quý I năm nay của Rio Tinto không khả quan. Sản lượng quặng sắt trong quý vừa qua của siêu tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới thấp hơn ước tính của RBC Capital Markets khoảng 6%.
"Điều kiện kinh doanh của Rio Tinto không thuận lợi vì họ liên tục đối mặt với nhiều thách thức tại các mỏ khai khoáng và các dự án khác. Điểm may mắn duy nhất là các mặt hàng chính của Rio Tinto là quặng sắt và nhôm vẫn đang hưởng lợi từ chính sách môi trường của Trung Quốc", ông Broda bình luận.
Giá thép tại Trung Quốc sau quý I đang đạt mức cao nhất thập kỷ nhờ lĩnh vực xây dựng khởi sắc và nhu cầu thép tăng vượt cùng kỳ năm 2019 lẫn 2020, Rio Tinto nhấn mạnh.
Ở Trung Quốc, nhu cầu thép lớn và biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất thép tăng mạnh còn góp phần thúc đẩy nhu cầu quặng sắt chất lượng cao đi lên. Hơn nữa, với mục tiêu giảm lượng phát thải nhà kính trong lĩnh vực luyện thép, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu thép trong năm nay.
Nhà phân tích Hynes của ANZ Banking Group, nói rằng triển vọng ngắn hạn đối với giá thép vẫn rất ổn định. Do biên lợi nhuận đang duy trì ở mức rất cao, các nhà máy luyện thép tại Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận giá quặng sắt cao hơn thông thường.
Song ông Hynes nói thêm rằng giá quặng sắt hiện tại cao hơn rất nhiều so với mức giá hợp lý. Nếu chính sách giảm khí thải nhà kính của Bắc Kinh bắt đầu tác động đến nhu cầu thép, giá quặng sắt có nguy cơ giảm vào cuối năm nay.
"Nếu sản lượng thép của Trung Quốc giảm 1%, nhu cầu quặng sắt có thể lao dốc 15 - 20 triệu tấn", ông Hynes phỏng đoán.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899