Nợ toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 315.000 tỷ USD
TCDN - Nợ toàn cầu đã tăng khoảng 1.300 tỷ USD trong quý đầu năm nay, đạt mức cao kỷ lục mới 315.000 tỷ USD do chi tiêu chính phủ đi lên.
Một báo cáo mới của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính, nợ toàn cầu đã tăng khoảng 1.300 tỷ USD trong quý đầu năm nay, đạt mức cao kỷ lục mới 315.000 tỷ USD.
Sau 3 quý giảm liên tiếp, tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu đã tiếp tục quỹ đạo đi lên từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay. IIF khẳng định các thị trường mới nổi đang thúc đẩy xu hướng tăng nợ toàn cầu với mức tăng lớn nhất đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico.
Các nền kinh tế phát triển chứng kiến mức tăng nhỏ hơn nhưng Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản, Anh, Ireland và Canada vẫn đối mặt mức nợ cao. Mức nợ giảm ở Thụy Sĩ và Đức.
Chi tiêu chính phủ đã đẩy tổng chi tiêu tại các nền kinh tế phát triển lên cao trong quý này do lãi suất ở mức cao lịch sử. Lãi suất tăng cao làm tăng nợ nhà nước khi chi phí vay của chính phủ tăng lên, làm giảm ngân sách nhà nước.
Song theo IIF, tăng trưởng tại các lĩnh vực kinh tế khác đã giúp giảm nợ công ở một số nền kinh tế phát triển.
"Tổng mức nợ ở các nền kinh tế phát triển nhìn chung vẫn ổn định trong quý 1 năm nay do việc giảm nợ của các hộ gia đình và các tập đoàn phi tài chính bù đắp cho sự gia tăng liên tục của nợ chính phủ", báo cáo của IIF chỉ ra.
IIF cũng cảnh báo rằng nợ toàn cầu có thể tăng cao hơn nữa do "xung đột thương mại và căng thẳng địa chính trị gia tăng".
Một rủi ro nợ khác, theo IIF, là sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của EU có thể củng cố sức mạnh cho đồng USD. Điều này đồng nghĩa các quốc gia sẽ tốn kém hơn khi trả các khoản nợ bằng đồng bạc xanh.
“Một sự thay đổi chính sách đột ngột có thể kích hoạt đồng USD tăng giá, thúc đẩy dòng vốn chảy vào tài sản của Mỹ và gây thêm áp lực lên các khoản nợ vay bằng USD”, IIF cho biết.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về gánh nặng nợ toàn cầu. Nhóm chuyên gia của IMF cảnh báo các quốc gia cần có những nỗ lực quyết đoán để bảo vệ tài chính công bền vững và xây dựng lại vùng đệm tài chính.
"Các chính phủ nên loại bỏ ngay chính sách trợ cấp năng lượng, cải cách để hạn chế chi tiêu gia tăng trong khi bảo vệ tầng lớp dễ bị tổn thương nhất. Các nền kinh tế tiên tiến với dân số già nên hạn chế áp lực chi tiêu cho y tế và lương hưu thông qua cải cách quyền lợi và các biện pháp khác", IMF gợi ý pháp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899