Nỗi ám ảnh phá sản của tỷ phú Jensen Huang với tập đoàn Nvidia

13/12/2023, 20:50
báo nói -

TCDN - Suốt 30 năm qua, những khoảnh khắc tập đoàn Nvidia bên bờ vực sụp đổ đã hằn sâu vĩnh viễn vào tâm trí tỷ phú Jensen Huang.

Năm nay, tập đoàn Nvidia thắng lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ, khi vốn hóa đạt đến mốc 1.000 tỷ USD, cao hơn cả tổng vốn hoá của Netflix, Nike và Novo Nordisk. Đó là điều không ai có thể hình dung cách đây 30 năm, khi Nvidia ra đời, và thậm chí là năm ngoái, thời điểm cơn sốt AI còn chưa bùng lên giúp Nvidia thăng hoa.

Hành trình gian khó

Trong bối cảnh ấy, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Jensen Huang lại khẳng định rằng nếu biết trước Nvidia sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp giá trị nhất hành tinh, ông sẽ không tạo ra nó. "Lý do thực sự khá đơn giản. Xây dựng Nvidia hóa ra khó hơn tôi tưởng tượng gấp triệu lần", Huang nói.

Ông dùng một loạt tính từ để miêu tả con đường 30 năm của tập đoàn, bao gồm đau đớn, thống khổ, tổn thương, bối rối và xấu hổ. Theo Huang, những tính từ đó đủ mạnh để khiến nhiều người không dám dấn thân khởi nghiệp.

Mỹ có 5 doanh nghiệp đạt trị giá từ 1.000 tỷ USD. Trong 5 doanh nghiệp ấy, giá cổ phiếu Apple, Microsoft và Alphabet chưa bao giờ giảm 85% từ đỉnh. Amazon từng trải qua một lần, còn Nvidia đã trải qua hai lần, vào 2002 và 2008. Mới năm ngoái, giới đầu tư còn ái ngại khi Nvidia trên đường mất một nửa giá trị.

Jensen Huang 1

Bất ngờ thay, vào 2023, cổ phiếu công ty thăng hoa nhờ nhu cầu về các chip tiên tiến (GPU) bùng nổ. Nguyên nhân là cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), với các mô hình AI cần số lượng lớn GPU. Đến nay, chúng chủ yếu cung cấp bởi Nvidia vì Huang đã đầu tư vào GPU từ rất lâu trước khi thị trường bùng nổ.

Vai trò trung tâm của Nvidia trong nền kinh tế AI là lý do khiến giá trị doanh nghiệp tăng gấp ba lần, đánh bại mọi công ty khác trong S&P 500 năm nay. Cổ phiếu Nvidia đang trên đà đạt hiệu suất hàng năm tốt nhất so với mọi cổ phiếu lớn trong thập kỷ qua.

Nỗi ám ảnh phá sản

Trải qua một năm thành công hơn bất cứ ai ngoài nữ danh ca Taylor Swift, nhưng Huang vẫn bị ám ảnh bởi viễn cảnh thất bại. Theo tờ New Yorker, phương châm không chính thức của Nvidia là khẩu hiệu mà Huang đặt ra từ những năm đầu khởi nghiệp đầy bất ổn: "Công ty của chúng ta còn 30 ngày nữa là ngừng hoạt động".

Hiện Nvidia có giá trị cao hơn tổng giá trị của các nhà sản xuất chip khác của Mỹ. Viễn cảnh Nvidia "dừng hoạt động sau một tháng nữa" chỉ có thể xảy ra nếu AI hủy diệt thế giới. Bất chấp điều đó, Huang vẫn không an tâm. "Bạn luôn có nguy cơ phá sản. Nếu bạn không tiếp thu khả năng nhạy cảm đó, bạn sẽ phá sản", ông nói gần đây tại Trường Kinh doanh Columbia.

Suốt 30 năm qua, những khoảnh khắc công ty bên bờ vực sụp đổ đã in sâu vào tâm trí Huang vĩnh viễn như hình xăm logo Nvidia trên cánh tay ông.

Vào năm 1993, Nvidia ra đời bởi Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem. Họ cùng bàn bạc và lên kế hoạch khởi nghiệp tại một quán Denny's ở San Jose (California). Không ai chú ý 3 vị khách uống quá nhiều cà phê trừ nhân viên phục vụ. Và khi Huang nói rằng công ty đang sản xuất card đồ họa cho trò chơi điện tử, mẹ ông bảo con trai nên tìm một công việc nào ra hồn.

Sau khi Nvidia tung ra sản phẩm card đồ họa đầu tiên thất bại, Huang sa thải một nửa lực lượng lao động. Hết tiền, đứng bên bờ vực phá sản, ông đặt cược vào con chip 1997 và nó đã cứu Nvidia. Đến 1999, họ lên sàn và trải qua giai đoạn chục năm thậm chí còn tàn khốc hơn bởi bong bóng dot-com và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngay cả khi thị trường chứng khoán phục hồi sau đó, cổ phiếu Nvidia vẫn đi xuống. Từ năm 2008 đến 2013, S&P 500 tăng 25% thì Nvidia lại giảm 50%. Toàn bộ công ty thời đó trị giá ít hơn 6 tỷ USD, số tiền mà Huang kiếm được chỉ trong một ngày giao dịch năm nay.

Sau đó, Nvidia trì trệ khi Huang đầu tư vào một nền tảng mới để tăng tốc điện toán, cho phép các nhà phát triển làm bất cứ điều gì họ muốn với GPU. Phố Wall hoài nghi về tầm nhìn này. Nhưng có một nhóm người quan tâm: các nhà nghiên cứu AI. Khi bắt đầu sử dụng chip của Nvidia để đào tạo mạng lưới thần kinh nhân tạo, họ phát hiện tiềm năng to lớn ở các con chip của Huang.

Những tiến bộ ban đầu trong công nghệ học sâu (deep learning) thúc đẩy Huang đặt cược lần nữa vào AI. Từ 2012, Nvidia bắt đầu phát triển hệ thống sẽ trở thành siêu máy tính AI đầu tiên. Bốn năm sau, Huang giao nó cho OpenAI, nơi các nhà nghiên cứu sử dụng GPU của Nvidia để đào tạo ChatGPT. Năm ngoái, ứng dụng này tạo nên cơn sốt AI khi được trình làng.

Từ ban đầu, bí quyết thành công của Nvidia không phải là nhân sự xuất chúng hay ngành công nghiệp mà họ hướng tới. Thực tế, nó nằm ở cấu trúc quản trị không chính thức, khác thường mà họ chọn. Theo đó, Huang luôn là người quyết định, trong khi Malachowsky và Priem phải báo cáo cho ông. Tuy nhiên, họ thỏa thuận rằng mỗi nhà sáng lập sẽ có quyền trong lĩnh vực của mình.

Priem kể rằng họ sẽ nói chuyện hoặc tranh luận về các quyết định của nhau, nhưng sẽ mặc định người có chuyên môn trong lĩnh vực nào sẽ đưa ra quyết định cuối trong lĩnh vực đó. "Đó không phải là 'đồng ý hay không đồng ý'. Quyết định chấm dứt mọi bất đồng và trở thành hướng đi mà chúng tôi triển khai", ông kể.

Sự sắp xếp của nhóm sáng lập khiến Huang phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh và tìm kiếm đối tác để sản xuất chip. Nhờ vậy mà Priem trút được rất nhiều gánh nặng và cảm thấy choáng váng khi biết áp lực công việc của Huang. "Đó là khoảnh khắc tôi chỉ biết kêu Chúa để hiểu anh ấy cô đơn đến mức nào trong vai trò của mình", Priem mô tả.

Huang đã điều hành công ty kể từ khi mái tóc bạc của ông vẫn còn màu đen như chiếc áo khoác da đặc trưng ông hay mặc. Ngay cả sau ba thập kỷ làm việc, Huang vẫn tích cực tham gia vào Nvidia. Ông vẫn quản lý trực tiếp 50 giám đốc điều hành cấp cao và tham dự các cuộc họp về sản phẩm với những nhân viên cấp dưới.

Chưa bao giờ mọi người thấy một doanh nghiệp giá trị lớn đến vậy mà công chúng lại biết rất ít về nó.

"Nvidia chính là Jensen Huang. Anh ấy làm mọi việc trừ quét sàn - và anh ấy vẫn có thể quét sàn", Nghệ sĩ David Rosenthal, nhà sản xuất một chương trình podcast từng làm việc với Huang, bình luận.

Vốn hóa 1.000 tỷ USD không làm cho công việc của Huang dễ dàng hơn chút nào. Hiện nay tập đoàn của ông phải vượt qua các quy định chặt chẽ của Mỹ nhằm ngăn chặn khả năng các con chip tiên tiến được Trung Quốc tiếp cận. Ngoài ra, khi các con chip tiên tiến trở thành "cuốc xẻng", mọi người tranh mua trong "cơn sốt vàng" AI, các đối thủ trong nước đang rất muốn chọc thủng sự thống trị của Nvidia.

Khi khởi nghiệp công nghệ, mọi người ở Silicon Valley đều hiểu rằng họ phải kiên nhẫn. Nhưng Huang nói thêm rằng "không biết quá nhiều" cũng hữu ích. "Tôi nghĩ đó là loại siêu năng lực của doanh nhân. Họ không biết kinh doanh sẽ khó khăn như thế nào. Và họ chỉ tự hỏi nó có khó khăn đến đâu. Đến ngày nay, tôi vẫn lừa não mình bằng cách nghĩ: Nó khó khăn đâu chứ?", Huang bình luận.

Bảo Long/Theo WSJ
Bạn đang đọc bài viết Nỗi ám ảnh phá sản của tỷ phú Jensen Huang với tập đoàn Nvidia tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bài học đầu tư của tỷ phú Charlie Munger
Kiên nhẫn chờ cơ hội, dành nhiều thời gian để học tập là 2 trong số những bí quyết tạo nên thành công của tỷ phú Charlie Munger, nhà đầu tư huyền thoại vừa qua đời.