Phân tích hiệu quả tài chính mô hình sản xuất và tiêu thụ Khóm Cầu Đúc - Hậu Giang

23/07/2025, 10:01

TCDN - Kết quả nghiên cứu cho thấy các tác nhân tham gia đều có lãi, người nông dân lãi ít đôi khi lỗ trong hoạt động sản xuất. Trong khi thương lái, vựa có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất. Ngược lại, doanh nghiệp thì kinh doanh kém hiệu quả hơn vì họ gánh chịu chi phí Marketing cao so với tổng biên tế Marketing. 

TÓM TẮT

Đề tài nghiên cứu: “Phân tích hiệu quả tài chính mô hình sản xuất và tiêu thụ Khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang” được tiến hành ở hai xã Tân Tiến và xã Thạnh Thắng, Thành Phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Với số lượng mẫu được thu thập là 131 mẫu: nông dân là 110 mẫu, thương lái 12 mẫu, vựa 7 mẫu, doanh nghiệp 2 mẫu.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả (Descriptive Statistics) để mô tả và phân tích trực trạng sản xuất và tiêu thụ Khóm của nông hộ ở Hậu giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy: đa số nông dân, thương lái, vựa,… đều thiếu vốn sản xuất, các nguồn thông tin hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ chưa đáp ứng kịp và mong muốn lớn nhất của các tác nhân là được hỗ trợ vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp phân tích chi phí – lợi ích (Cost Benefit analysis) để phân tích hiệu quả hoạt động của các tác nhân tham gia gồm nông dân (người sản xuất) và các tác nhân khác là thương lái, vựa, doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các tác nhân tham gia đều có lãi, người nông dân lãi ít đôi khi lỗ trong hoạt động sản xuất. Trong khi thương lái, vựa có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất. Ngược lại, doanh nghiệp thì kinh doanh kém hiệu quả hơn vì họ gánh chịu chi phí Marketing cao so với tổng biên tế Marketing. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc đề xuất giải pháp cụ thể đối với từng tác nhân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ Khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang.

1. Giới thiệu

Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL rất đa dạng về cây trồng, vật nuôi, trong đó, cây ăn trái được xem là một trong những loại cây trồng để phá thế độc canh cây lúa.

Do có lợi thế về diện tích cũng như sản lượng cây ăn trái lớn nên ĐBSCL được mệnh danh là vương quốc trái cây. Tuy nhiên, người sản xuất ngành hàng này luôn gặp phải nhiều rủi ro, chủ yếu là do giá cả biến động nên lượng cung hàng hóa trên thị trường tăng giảm thất thường.

Thực tế những năm qua cho thấy, không chỉ thị trường trái cây ĐBSCL, mà trong đó có Hậu Giang là nơi nổi tiếng với bưởi năm roi Phú Hữu và Khóm Cầu Đúc từ rất lâu đời. Tuy là loại đặc sản đã có thương hiệu, nhưng hiện tại vẫn khó bám được thị trường. Chính vì vậy, mà tiềm năng sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL nói chung và trái Khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang nói riêng chưa thật sự khởi sắc so với khu vực.

Hiện nay khi nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập, việc tận dụng những lợi thế sẳn có để sản xuất ra hàng hóa với chất lượng cao bên cạnh giá cả cạnh tranh là điều rất cần thiết. Do đó, việc tìm hiểu thực trạng sản xuất, các vấn đề còn tồn tại trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện hiện nay và đây cũng chính là vấn đề cấp thiết cần nghiên cứu. Chính vì vậy, tác giả chọn đề tài “Phân tích hiệu quả tài chính mô hình sản xuất và tiêu thụ Khóm cầu Đúc ở Hậu Giang”.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp phân tích

Sử dụng phương pháp kiểm định giả thuyết thống kê để kiểm định lại độ tin cậy và độ lớn của số liệu thu thập được.

Mục tiêu 1: Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để mô tả, phân tích thực trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Khóm ở Hậu giang. Thống kê mô tả là tổng hợp các phương pháp đo lường, mô tả, kiểm định giả thuyết thống kê, và trình bày số liệu được ứng dụng vào lĩnh vực kinh tế dựa trên kết quả thu thập được.

Mục tiêu 2: Sử dụng Phương pháp phân tích chi phí – lợi ích (CBA: Cost Benefit Analysis) để phân tích hiệu quả sản xuất khóm Cầu Đúc ở Hậu giang.

Phương pháp phân tích chi phí – lợi ích (CBA: Cost Benefit Analysis). Phương pháp này thường được sử dụng để phân tích kết quả hoạt động sản xuất hay các dự án đầu tư. Trong nghiên cứu này, CBA được sử dụng trong nghiên cứu để phân tích hiệu quả sản xuất của các tác nhân tham gia trực tiếp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ bao gồm: hộ nông dân, thương lái (người thu gom), Vựa, Công ty xuất khẩu hay Doanh nghiệp bán lẻ.

Mục tiêu 3: Dựa vào chi phí sản xuất, giá mua, giá bán và chi phí Marketing để xác định việc phân phối lợi nhuận của các tác nhân. Các chỉ số được sử dụng trong phân tích nhằm so sánh, xác định thành viên nào đạt được lợi nhuận cao và nguyên nhân của việc phân phối lợi nhuận trong quá trình tiêu thụ sản phẩm Khóm.

LNB/TCP: Lợi nhuận biên/Tổng chi phíMục tiêu 4: Sử dụng Phương pháp thống kê mô tả như so sánh, kiểm định giả thuyết thống kê để trình bày số liệu dựa trên kết quả thu thập được, để làm căn cứ đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ khóm ở Hậu giang

2.2. Phương pháp thu thập số liệu

Phương pháp phân tầng ngẫu nhiên được áp dụng để chọn hộ nông dân, thương lái, vựa, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu để phỏng vấn trực tiếp.

Tổng số mẫu quan sát là 131 mẫu: bao gồm 110 mẫu của nông dân, 12 thương lái, 7 vựa ở Cái Răng, và 2 doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu ở Cần Thơ.

Việc phỏng vấn được tiến hành thu mẫu trực tiếp dựa trên 4 bảng câu hỏi soạn sẳn. Chọn các nhóm đối tượng để phỏng vấn: nông hộ - thương lái, Thương lái – Vựa,

Vựa – Doanh nghiệp, để dể dàng phản ánh mối quan hệ giữa các đối tượng.

Để đạt được mục tiêu và thực hiện các nội dung nghiên cứu, đề tài đã sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp nông hộ trồng Khóm bằng cách phỏng vấn thông qua bảng câu hỏi soạn sẵn. Các thông tin thu thập bao gồm tình hình sản xuất, các chi phí đầu tư ban đầu cho sản xuất khóm như chi phí giống, chi phí chuẩn bị đất, chi phí nhiên liệu, chi phí vật tư nông nghiệp, chi phí khấu hao máy móc thiết bị. Chi phí sản xuất trong thời kỳ thu hoạch, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ khóm của các nông hộ trồng khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang. Đồng thời, điều tra phỏng vấn các các tác nhân tham gia trong kênh mua bán Khóm về thực trạng và khả năng tổ chức quản lý thu mua, bảo quản vận chuyển, tiêu thụ Khóm, chi phí thu mua, đóng gói các vướng mắc trong thu mua và tiêu thụ,…

Các số liệu thứ cấp về diện tích, sản lượng, năng suất ở các vùng trong nước được tổng hợp từ các nguồn như FAOSTAT, Tổng cục thống kê, Cục thống kê tỉnh Hậu Giang, Sở nông nghiệp & PTNT Hậu Giang, các số liệu trên Internet, báo đài, các để tài nghiên cứu có liên quan.

3. Phương pháp phân tích

3.1. Kết cấu chi phí sản xuất Khóm Cầu Đúc tính trên ha/năm

520473072_1922982068482003_8392058272308129806_n

Qua kết quả điều tra mô hình trồng chuyên canh cây Khóm ở Thành Phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho thấy rằng, trong tấc cả các loại chi phí trồng Khóm thì chi phí vật tư và chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi phí là trên 65%. Điều này chứng tỏ rằng chi phí vật tư và chi phí nhiên liệu là hai loại chi phí rất quan trọng ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận trồng khóm nhiều nhất.

Những chi phí khác thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí như chi phí lao động trong giai đoạn này cũng chiếm 15% trong tổng chi phí trồng Khóm. Chi phí lao động ở đây bao gồm cả lao động nhà và lao động thuê.

Giá thành phản ánh trình độ sản xuất và quản lý của nông hộ, giá thành bị chi phối bởi năng suất và chi phí. Tổng chi phí để tạo ra 1kg khóm với giá thành bình quân 1 kg Khóm là 1.315 đồng là khá cao. Chính vì vậy, nếu năm nào mà chi phí đầu vào cao, cộng với năng suất thấp mà thu hoạch ngay chính vụ có thể nông dân sẽ bị lỗ. Vì vậy, để có thể bán Khóm với giá cao, tìm được lợi nhuận ngoài phương pháp trồng, chăm sóc, kỹ thuật cho ra trái nghịch vụ,... để đạt năng suất cao còn lệ thuộc vào yếu tố khác về tự nhiên như khí hậu, thời tiết.

3.2.  Phân tích Doanh thu - Chi phí - Lợi nhuận thể hiện hiệu quả tài chính sản xuất Khóm

519488812_1211369830675708_5029609576889874367_n

Đối với các hộ sản xuất Khóm thì tỷ lệ DT/CP là 1,41 lần cho biết 1 đồng chi phí bỏ ra để đầu tư cho trung bình 1 vụ thì thu được 1,41 đồng doanh thu.

Tỷ số LN/DT của các hộ sản xuất trung bình 1 vụ trong năm là 0,29 cho biết trong

1 đồng doanh thu có 0,29 đồng lợi nhuận.

Tỷ số LN/CP chính là tỷ suất lợi nhuận giữa lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đã có công lao động nhà. Tỷ số này có nghĩa là trong 1 đồng chi phí mà nông hộ bỏ ra (bao gồm chi phí lao động nhà ) để trồng khóm thì sẽ thu được 0,41 đồng lợi nhuận ròng.

Tóm lại, qua phân tích các tỷ số tài chính trong việc trồng Khóm, ta thấy rõ hơn về khả năng sinh lời của đồng vốn khi nông hộ đầu tư vào việc trồng Khóm với TSLN trong một năm là 0,41.

So sánh tỷ suất lợi nhuận việc trồng khóm với việc đem vốn vào gửi ngân hàng để kiếm lời, (giả sử nguồn vốn mà nông hộ trồng trọt là vốn tự có) để xét xem hoạt động nào có lợi nhuận nhiều hơn cho nông hộ.

Ngân hàng được chọn là ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn là 1 năm là 0,92% tháng.

Tỷ suất lợi nhuận của một năm trồng Khóm đối với các hộ trồng Khóm ở địa bàn tỉnh Hậu giang (trung bình là 12 tháng/vụ) là 40,5%

Tỷ suất lợi nhuận của nguồn vốn nếu không trồng khóm mà đem vào gửi ngân hàng với kỳ hạn 12 tháng là 12 x 0,92% = 11,04%. Thời gian gửi được tính tương đương với thời gian trồng trung bình 1 năm cây cho trái.

Qua tính toán ta thấy, việc trồng khóm đem lại tỷ suất lợi nhuận cao gấp 3,67 lần tỷ suất lợi nhuận việc đem vốn gởi vào ngân hàng. Điều này có nghĩa là nông hộ đem vốn đầu tư cho việc trồng khóm có lợi nhuận gấp 3,67 lần việc đem vốn để gửi vào ngân hàng. Với 1.000 đồng tiền vốn nông hộ đem đầu tư cho việc trồng khóm sẽ thu được 40.503 đồng tiền lời, trong khi đó nếu đem gởi ngân hàng nông hộ sẽ thu được 11.040 đồng tiền lời.

Chi phí cơ hội cho việc sử dụng một nghìn đồng tiền vốn để trồng khóm là 11.040

đồng. Nếu trừ đi chi phí cơ hội này thì với một nghìn đồng tiền vốn nông hộ vẫn thu được

29.463 đồng lợi nhuận ròng.

Như vậy, việc trồng Khóm của nông hộ trên địa bàn tỉnh Hậu giang không những có hiệu quả về mặt tài chính mà còn đạt hiệu quả về mặt sử dụng vốn trong trồng trọt.

3.2  Phân phối lợi nhuận của các tác nhân thị trường trong tiêu thụ sản phẩm Khóm

3.3.1 Phân tích chi phí Marketing của thương lái

522097845_1066803385594770_1284279528325294388_n

Bảng trên cho biết tổng chi phí Marketing đối với thương lái là 127 đồng/kg, trong đó chi phí thu mua vận chuyển chiếm tỷ trọng cao gần 66,93% của tổng chi phí. Do thương lái là tác nhân trung gian giữa người nông dân và các tác nhân khác nên họ chịu trách nhiệm vận chuyển “mua tận nơi, bán tận gốc”. Ngoài ra còn có các chi phí khác như:

-  Chi phí thuê lao động: để chuyên chở, bốc xếp Khóm lên ghe, trong 1 tấn khóm thương lái phải tốn chi phí thuê lao động là 30.000 đồng/tấn và chi phí cho 1 kg Khóm là 30 đồng/kg. Chi phí thuê lao động gồm lao động nhà và lao động thuê đi theo ghe khoảng 2 người.

-  Chi phí tiếp thị, điện thoại là 5 đồng/kg chiếm 3,94% trong tổng chi phí Marketing

-  Chi phí khấu hao: do Thương lái thường có phương tiện là ghe để vận chuyển, với tổng giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tùy ghe lớn hay nhỏ. Công việc vận chuyển xuyên suốt trong năm, nên cần phải duy tu sửa chữa vào cuối vụ. Tổng cộng chi phí khấu hao là 6 đồng/kg.

-  Chi phí khác: ngoài các loại chi phí chính thức thì Thương lái còn có các loại chi phí như lệ phí đi đường, lệ phí trước bạ… chiếm khoảng 0,79% trong cơ cấu chi phí Marketing

3.3.2 Phân tích chi phí Marketing của Vựa

Trong kênh Marketing thì Vựa có tổng chi phí Marketing cao hơn thương lái do Vựa phải tốn thêm tiền thuê mặt bằng và chi phí thuê lao động cao hơn (do lao động thành thị cao hơn lao động nông thôn). Chi phí lao động của Vựa tính trên 1 kg Khóm thu mua chiếm 25% trong tổng Chi phí Marketing. Giá bán bình quân của Vựa là 4.570 đồng/kg. Tổng biên tế Marketing của Vựa là 1.320 đồng/kg thấp hơn của thương lái, do vựa bán với số lượng nhiều nên lợi nhuận của Vựa sẽ cao hơn.

520862151_2591596861205361_8027240268170294771_n

3.3.3 Phân tích chi phí Marketing của Doanh nghiệp bán lẻ

521226458_1056599362870997_4364469352216679171_n

Dựa vào kết quả, cho thấy Chi phí Marketing của doanh nghiệp cao nhất trong các tác nhân là 424 đồng/kg, do doanh nghiệp phải tốn chi phí đóng gói để vận chuyển, chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ cao nhất 180 đồng/kg chiếm 42,41%, kế đến là chi phí hao hụt 110 đồng/kg, chi phí khấu hao máy móc thiết bị nhà xưởng 23 đồng/kg. Chi phí khác là các khoản chi phí lãi vay, chi phí mặt bằng, lao động, thương hiệu,… tốn 75 đồng/kg.

Qua ước lượng chi phí Marketing, tình hình chi phí và lợi nhuận tính trên 1 kg Khóm của các tác nhân tham gia vào kênh phân phối sản phẩm trên địa bàn Hậu giang ta có bảng tổng hợp kết quả hoạt động của các tác nhân tham gia vào kênh Marketing Khóm

a. Chi phí Marketing, lợi nhuận biên và phân phối lợi nhuận giữa các thành viên.Qua phân tích, ta thấy nông dân là đối tượng đạt lợi nhuận thấp nhất trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Khóm Cầu đúc. Trong khi thương lái đạt hiệu quả cao hơn.

Cụ thể, qua bảng số liệu kết quả hoạt động của các tác nhân cho thấy thương lái là nhà trung gian chịu rủi ro trong kinh doanh thấp nhất vì họ chịu chi phí Marketing thấp nhất (127 đồng/kg) trong các tác nhân.

Đối tượng tiếp theo là Vựa, được xem là đối tượng kinh doanh đạt hiệu quả chiếm 13,91% trong tổng lợi nhuận tạo ra. Vựa cung cấp hầu hết các dịch vụ thông qua quá trình thu mua vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

520894243_1054669540191658_2400548526778785730_n

Đối với doanh nghiệp bán lẻ tuy rằng biên tế Marketing của doanh nghiệp là cao, chi phí Marketing cao 424 đồng/kg nên lợi nhuận biên trên một kg khóm bán ra là 1.076 đồng/kg nhưng doanh nghiệp là loại hình kinh doanh đòi hỏi có tổ chức hoàn chỉnh, cần phải tạo uy tính. Đồng thời sản phẩm của doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng VSAT thực phẩm,… rất phức tạp.

Doanh nghiệp xuất khẩu đạt lợi nhuận biên trên 1 kg khóm là cao nhất 4.420 đ/kg. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng kinh doanh chịu rủi ro cao nhất do họ gánh chịu chi phí Marketing khá cao. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu.

Tóm lại, qua phân tích chi phí – lợi nhuận trên 1kg Khóm của các tác nhân ta thấy được: nông hộ (người sản xuất) là người có lợi nhuận thấp nhất và chịu rủi ro cao nhất trong quá trình tiêu thụ sản phẩm khóm, dù họ là người trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Doanh ngiệp bán lẻ và xuất khẩu cũng đạt lợi nhuận khá cao trên 1kg Khóm bán ra, tuy nhiên, Doanh nghiệp cũng là tác nhân chịu rủi ro cao trong tiêu thụ do có chi phí Marketing cao nhất trong các tác nhân. Còn Thương lái và Vựa tuy chỉ đứng ở khâu trung gian nhưng lại là tác nhân đạt lợi nhuận cao nhất.

b.   Tỷ suất lợi nhuận của các thành viên trong quá trình phân phối sản phẩm. 

521205100_4979055562320441_462172482662683172_n

Vốn bỏ ra ít, chu kỳ kinh doanh ngắn nên thương lái ít bị ảnh hưởng của biến động giá cả lên xuống. Vì vậy, họ thu được lợi nhuận trên tổng chi phí rất cao (64,22%). Vì vậy đây là tác nhân có lợi nhất, nên khuyến khích tham gia vào quá trình kinh doanh vì lợi nhuận biên trên trên tháng đạt khá cao 5,35%/ tháng so với việc đem vốn gửi ngân hang.

Vựa có Tỷ suất lợi nhuận biên/Tổng chi phí tương đối cao là 34,81% trong tổng chi phí nghĩa là Vựa bỏ ra môt đồng chi phí nhận được 34,81 đồng/kg lợi nhuận. Vựa cũng là tác nhân đạt được lợi nhuận cao trong kênh Marketing.

Lợi nhuận biên/tổng chi phí của doanh nghiệp bán lẻ là 29,29% cũng khá cao, 1 đồng chi phí bỏ ra doanh nghiệp thu được 29,29 đồng lợi nhuận. Nếu đem so sánh với việc đem vốn kinh doanh gởi vào ngân hàng thì các tác nhân tham gia trong kênh Marketing Khóm đều có lợi.

Trong khi, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì lợi nhuận biên/Tổng chi phí đạt trên 58,36%, đây là mức TSLN rất cao, tuy nhiên công ty chịu nhiều rủi ro hơn so với các doanh nghiệp bán lẻ do chi phí Marketing cao (1.980 đồng/kg). Bên cạnh đó, khó khăn lớn của công ty là không chủ động được nguyên liệu đầu vào, nhiều lúc phải mua nguyên liệu với giá cao. Khó khăn trong tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu nên lợi nhuận của công ty cũng ảnh hưởng rất nhiều vào thị trường cả đầu vào và đầu ra.

Tóm lại, qua phân tích tình hình sản xuất của công ty cổ phần chế biến nông sản Long Mỹ, là công ty duy nhất có trụ sở đặt gần vùng nguyên liệu đây là lợi thế cho công ty lẫn các nông hộ trồng Khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều nguyên nhân nhất định mà hai tác nhân này chưa thể gặp nhau, vì vậy cần có biện pháp khắc phục.

4. Kết luận và kiến nghị

4.1. Kết luận

Qua điều tra khảo sát thực thực tế, và phân tích hiệu quả sản xuất và tiêu thụ Khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang ta có thể rút ra kết luận sau:

Các nông hộ chủ yếu sử dụng giống ở địa phương, các loại này cho năng suất không cao và thường hay bị sâu bệnh do quá trình sản xuất đã bị thoái hóa giống làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các hội nông dân, Hợp Tác Xã, của các tổ chức khuyến nông chưa cao, mặc dù đây là vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản.

Việc giá cả biến động bên cạnh giá cả nguồn vật tư đầu vào làm ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng khóm.

Vấn đề thiếu vốn sản xuất cũng xảy ra khá phổ biến trong hoạt động sản xuất của người trồng khóm và các tác nhân liên quan. Mong muốn lớn nhất của người sản xuất là được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp

Qua việc phân tích chi phí lợi ích của các tác nhân tham gia trong quá trình phân phối sản phẩm Khóm, ta thấy Khóm từ tay người nông dân phải mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian mới đến các đầu mối xuất khẩu và người tiêu dùng. Chính hạn chế này dẫn đến tình trạng thương lái trung gian ép giá nông dân. Việc mua bán lòng vòng làm tăng chi phí Marketing đẩy giá đầu ra tăng cao gây ảnh hưởng đến việc cạnh tranh giá bán trên thị trường.

4.2 Kiến nghị

Qua những kết quả nghiên cứu được, để hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khóm ở Hậu Giang ngày càng tốt hơn, tác giả xin đưa ra kiến nghị sau:

4.2.1 Đối với nông dân

Cần chủ động hơn trong công tác lựa chọn loại hình sản xuất của nông hộ, nhằm tránh tình trạng thấy loại cây nào người khác trồng có hiệu quả thì làm theo.

Bên cạnh đó, chủ động tự trang bị kiến thức, cập nhật, tìm kiếm các loại giống cây có chất lượng tốt, các kỹ thuật trồng mới, các phương pháp bón phân nhằm làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu thị trường cần.

Tóm lại, đối với người nông dân là cần chủ động hơn trong mọi hoạt động từ sản xuất cho đến khâu tiêu thụ, đặc biệt là liên kết với các tác nhân khác, chủ động tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình, tránh tình trạng bị ép giá do cung vượt cầu.

4.2.2 Đối với chính quyền địa phương

Hiện nay đã có chính sách hỗ trợ đối với nông dân, doanh nghiệp tạo điều kiện giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách lại là vấn đề của các tổ chức nên nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức hay đoàn thể địa phương cần giám sát việc thực hiện, có như vậy nông dân mới có thể mở rộng quy mô sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đối với các tổ chức khuyến nông địa phương cần phát huy hơn nữa công tác hỗ trợ, nâng cao kiến thức không chỉ cho nông hộ mà còn cả bản thân họ nữa. Việc đưa kỹ thuật sản xuất mới đến với người nông dân, xóa bỏ dần sản xuất kiểu cũ không còn hiệu quả để áp dụng phương pháp sản xuất mới hiệu quả hơn, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

4.2.3 Đối với Nhà nước

Nhà nước cần thiết lập kênh thông tin hữu hiệu giúp người nông dân cũng như các đối tượng khác trong kênh thị trường nắm bắt được những thông tin cần thiết trong quá trình kinh doanh của họ.

Cần ban hành các chính sách hỗ trợ người sản xuất, như các chính sách về tài chính, chính sách bình ổn giá đầu vào nhất là giá phân bón, chính sách quản lý thị trường về giá cả và chất lượng phân bón; tránh tình trạng bán phân giả như thời gian vừa qua.

Nhà nước cần xem xét lại chính sách thuế đối với các tác nhân là thương lái hay bán lẻ, bán sỉ.. dựa trên các mức độ thuế của các tác nhân khác trên thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sở NN&PTNT Hậu giang (2023), Báo cáo Tổng kết kết quả thực hiện năm 2023 và phương hướng năm 2024.

Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Hoàng Trọng (2005), Phân tích dữ liệu nghiên cứu SPSS, NXB Thống kê.

Lê Thành Hiệp (2005), Phương pháp nghiên cứu kinh tế trong nông nghiệp, NXB Nông nghiệp, Hà nội.

Lê Văn Gia Nhỏ (2022), Phân tích ngành hàng lúa gạo thơm Tỉnh Long An và lúa gạo Cao sản tỉnh An giang, luận văn thạc sĩ Khoa học Nông nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TP. HCM, TP.HCM

Lưu Thanh Đức Hải (2022), Marketing ứng dụng, NXB Thống kê

Lâm Thị Thu Mộng (2023), Phân tích chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm Khóm công ty Cổ Phần chế biến nông sản Long Mỹ, Hậu giang, Luận văn tốt nghiệp trường Đại học Cần Thơ.

Mai Văn Nam (2022), Giáo trình Quản trị Dự án phát triển, Nxb Giáo dục Việt Nam. Trần Võ Hùng Sơn (2023) Phân tích lợi ích – Chi phí, NXB Đại học Quốc gia, TPHCM Trần Thế Tục (2022), Kỹ Thuật trồng Dứa, Nhà xuất bản Nông nghiệp.

Cục Thống Kê Hậu giang (2023), Niên giám thống kê tỉnh hậu giang năm 2023

Lê Thị Thu

Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Cộng Đồng Hậu Giang

Tạ chí in số tháng 7/2025

Bạn đang đọc bài viết Phân tích hiệu quả tài chính mô hình sản xuất và tiêu thụ Khóm Cầu Đúc - Hậu Giang tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phân tích hiệu quả sản xuất lúa trong phát triển kinh tế tại tỉnh Hậu Giang
Trong điều kiện hiện nay ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn có nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là dưới sức ép cạnh tranh ngày một tăng của quá trình hội nhập quốc tế. Để khắc phục hoàn cảnh chung đó, nông dân Hậu Giang cần đưa ra các giải pháp thiết thực trong việc áp dụng kỹ thuật phù hợp.

x