Pháp lý về Blockchain tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới

24/05/2024, 14:36
báo nói -

TCDN - Blockchain đã trở thành một chủ đề chính đối với các nhà hoạch định chính sách công trên toàn thế giới. Mặc dù công nghệ Blockchain mang tính đột phá, cách mạng và nền tảng nhưng việc ứng dụng nó ở các quốc gia khác nhau với trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau sẽ không đồng đều.

8-1

TÓM TẮT:

Vài năm gần đây, Blockchain đã trở thành một chủ đề chính đối với các nhà hoạch định chính sách công trên toàn thế giới. Mặc dù công nghệ Blockchain mang tính đột phá, cách mạng và nền tảng nhưng việc ứng dụng nó ở các quốc gia khác nhau với trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau sẽ không đồng đều.

Bài viết trình bày chính sách quản lý về Blockchain tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, giúp các nhà quản lý công Việt Nam có cách nhìn tổng quan để xây dựng quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan công nghệ mới này và sớm thực thi nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội và lợi thế cạnh tranh quốc gia.

-------------------------------

Thách thức phát sinh từ tiền điện tử và công nghệ Blockchain xảy ra những cuộc tranh luận pháp lý thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý liên quan đến công nghệ mới này. Mặc dù công nghệ Blockchain có thể phù hợp với hầu hết các nền kinh tế nhưng không được áp dụng đồng đều ở các quốc gia khác nhau vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính có thể đề cập đến là quan điểm pháp lý của quốc gia về công nghệ Blockchain. Từ góc độ pháp lý, công nghệ chuỗi khối đã cho thấy sự không rõ ràng về vai trò của nhà nước, quản lý hợp đồng, quyền tự điều chỉnh và quyền tự chủ, quyền riêng tư và thậm chí cả niềm tin cơ bản. Tóm lại, Blockchain sẽ tiếp tục chuyển đổi các hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới cùng với sự thay đổi của các quy định của chính phủ.

1. Quan điểm pháp lý về Blockchain tại một số một quốc gia trên thế giới

Dịch vụ phát hành tiền ảo ban đầu (Initial coin offering - ICO) là một sự kiện trong đó một công ty bán một loại tiền điện tử mới để huy động tiền. Các nhà đầu tư nhận được tiền điện tử để đổi lấy những đóng góp tài chính của họ. Theo nhiều cách, ICO là phiên bản tiền điện tử của đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán. Mặc dù có thể kiếm được lợi nhuận khá lớn thông qua ICO nhưng việc thiếu quy định khiến chúng trở nên vô cùng rủi ro.

ICO thường được so sánh với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) , một đợt chào bán cổ phiếu mới của một công ty tư nhân. Cả ICO và IPO đều cho phép các công ty huy động vốn.

Sự khác biệt chính giữa ICO và IPO là IPO liên quan đến việc bán chứng khoán và phải tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật. ICO là việc bán tiền điện tử chứ không phải chứng khoán. Vì lý do đó, nó không có bất kỳ yêu cầu chính thức nào như IPO. Nhưng nếu một công ty cố tình tiến hành ICO giống như định nghĩa và quy định của chứng khoán thì công ty đó có thể gặp rắc rối về mặt pháp lý.

Báo cáo Dự án ADGSOM (2021) đã phân loại các cách tiếp cận của chính phủ trên toàn thế giới như sau: (1) “Quyền được lãng quên” (mối quan ngại về quyền riêng tư của khách hàng), (2) “Kinh doanh trước, quy định sau”, (3) “Quy định trước, kinh doanh sau” và (4) một số sự kết hợp của (2) và (3). Trong nghiên cứu của họ, Liên minh Châu Âu đã áp dụng cách tiếp cận “thận trọng” dựa trên các tiêu chuẩn GDPR (Quy định chung về bảo vệ dữ liệu) nhằm duy trì quyền kiểm soát dữ liệu của chính công dân EU. Ngược lại, Hoa Kỳ được xếp vào nhóm “Quy định trước, kinh doanh sau”, trong khi các nước Đông Á gần đây đã thực hiện một chính sách “Kinh doanh trước, quy định sau.”

h1
h2
Bảng 1. Chính sách quản lý của các nước và cách thức pháp tiếp cận đối với Blockchain

Bảng 1. Chính sách quản lý của các nước và cách thức pháp tiếp cận đối với Blockchain

2. Quan điểm pháp lý của Chính phủ Việt Nam về Blockchain

Việc sử dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ các tổ chức trong việc thay đổi hoạt động kinh doanh và tương tác với khách hàng chẳng hạn như lưu trữ dữ liệu cho người dùng. Theo đó, công nghệ Blockchain giúp Việt Nam dễ dàng trở thành một quốc gia dân chủ, minh bạch và dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển bên cạnh các dịch vụ khác. Điều cần lưu ý, Blockchain không thể được xem là giải pháp cho mọi vấn đề, tuy nhiên nó đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các dịch vụ tài chính, dịch vụ công, Internet vạn vật, quản trị chuỗi cung ứng, năng lượng và tài nguyên cùng nhiều lĩnh vực khác.

Tiền điện tử từng là một chủ đề gây tranh cãi trên toàn thế giới nhưng giờ đây nó đã trở thành một chủ đề phổ biến, đặc biệt là đối với giới trẻ Việt Nam. Mặc dù Việt Nam được xếp hạng là một quốc gia có mức lương trung bình với GDP bình quân đầu người là 2.786 USD và xếp thứ 119 trong số 176 quốc gia vào năm 2020. Theo Chainalysis, Việt Nam là một mô hình điển hình cho một quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn so với mức độ tham gia giao dịch Bitcoin. Chỉ số Tiếp nhận Tiền điện tử Toàn cầu (The Global Crypto Adoption Index) của Chainalysis cho thấy Việt Nam xếp thứ 10 trong số 154 quốc gia trong Chỉ số Chấp nhận Tiền điện tử Toàn cầu năm 2020. Vào năm 2021, Việt Nam thậm chí xếp hạng nhất. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà Việt Nam vượt qua nhiều quốc gia phát triển hơn như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của Bitcoin tại Việt Nam, việc sử dụng nó vẫn là bất hợp pháp do thiếu quy định công nhận tiền điện tử là tài sản hợp pháp. Hiện tại, các công cụ thanh toán này không thể sử dụng được. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo vào năm 2017 rằng tiền điện tử, BTC và Lite coin không phải là tiền tệ hợp pháp và không nên được sử dụng làm phương thức thanh toán tại Việt Nam. Do số lượng người dùng tiền điện tử Việt Nam ngày càng tăng, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào tính chấp nhận của nó. Kể từ năm 2019, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành các quyết định có liên quan đến Blockchain:

Bảng 2. Các quyết định có liên quan đến công nghệ Blockchain của Thủ tướng Chính phủ

Bảng 2. Các quyết định có liên quan đến công nghệ Blockchain của Thủ tướng Chính phủ

Ngoài ra, vào tháng 04 năm 2021 thì Bộ Tài chính Việt Nam thông báo đã thành lập Ủy ban điều tra về tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử nhằm xây dựng quy tắc và phương thức sử dụng chúng. Hiện tại, Bộ đang soạn thảo sửa đổi Luật Công nghệ Thông tin năm 2006, Nghị định 71/2007/NĐ-CP và các văn bản pháp lý liên quan để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của doanh nghiệp ngành công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được cấp quyền thành lập Trung tâm Quản lý Tài sản Kỹ thuật số. Đây là trung tâm đầu tiên của loại hình này tại Việt Nam nhưng hiện chưa có quy định chính thức hoặc giấy phép tài sản số.

3. Thách thức đặt ra

Trong bối cảnh toàn cầu, những điểm mạnh và điểm yếu hiện tại và tương lai về quy định, kinh doanh, tài chính và đặc thù của từng doanh nghiệp là những yếu tố then chốt để quyết định việc áp dụng Blockchain hiệu quả. Thực tế cho thấy, quan hệ đối tác công tư sẽ giúp phát triển các ứng dụng Blockchain mới phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội khác nhau của từng quốc gia. Tại một số quốc gia, chính phủ: đã chủ động tạo ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình và một số quan hệ đối tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp đã tận dụng các nguyện vọng của chính phủ nhằm thúc đẩy Blockchain tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một hệ sinh thái thân thiện với tiền điện tử, đồng thời khuyến khích sự phát triển của khối tư nhân thông qua các khoản tài trợ và hỗ trợ tài chính phù hợp. Các quy định và khuyến khích của chính phủ được tự do hóa hơn để khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính phi tập trung, đang trở nên phổ biến thông qua quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp.

Các nghiên cứu thí điểm và các dự án kinh doanh khởi nghiệp làm cho bản chất và các tính năng của Blockchain ngày càng khó xác định hơn, dẫn đến sự không rõ ràng và đôi khi nhầm lẫn vì những xác định này có liên quan đến quy định của pháp luật.

Đầu tiên là định nghĩa cơ bản về tài sản tiền điện tử: Nó là một tiện ích hay chứng khoán? Token (một dạng tài sản tiền điện tử cụ thể) có thực sự là tài sản hay chỉ là hàng hóa? Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã coi tài sản tiền điện tử là tài sản và bị đánh thuế tương ứng. Do đó, với tư cách là hàng hóa thì giá trị của chúng vốn có trong tài sản. Tuy nhiên cơ sở lý luận lại không cho tiền điện tử là chứng khoán (Bitcoin và Ethereum), người nắm giữ không phải là chủ sở hữu đặc quyền hoặc cổ đông trong bất kỳ thực thể nào.

Vấn đề tiếp theo là cơ sở phân biệt chứng khoán với tiện ích hoặc hàng hóa. Mặc dù các hướng dẫn chi tiết vẫn chưa có nhưng các quy ước hiện tại đề xuất cách giải thích sau: nếu chức năng cơ bản của mã thông báo là hỗ trợ hoặc nâng cao chuỗi khối thì nó được coi là một tiện ích. (Ví dụ: trong trường hợp Blockchain ứng dụng theo dõi hồ sơ tài sản, những người tham gia tiềm năng được khuyến khích tham gia, hỗ trợ và thêm các tính năng và có thể được cung cấp mã thông báo).

Trong bối cảnh Việt Nam, việc áp dụng Blockchain vẫn còn một chặng đường dài. Quá trình này mất nhiều thời gian và phức tạp nên cần sự hỗ trợ và chiến lược trọng tâm từ Chính phủ.

4. Kiến nghị

Thứ nhất, các cơ quan quản lý công cần phối hợp với khối tư nhân để: (1) Đào tạo đội ngũ quản lý nắm vững kiến thức về Blockchain; (2) Xây dựng hạ tầng công nghệ sẵn sàng cho việc áp dụng Blockchain khi khung pháp lý được hoàn thiện và thực thi; (3) Có những ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài, khuyến khích chuyên gia trong và ngoài nước gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, phát triển và ứng dụng công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thứ hai, đề xuất Chính phủ định hướng theo “Quy định trước, kinh doanh sau” vì Việt Nam chỉ vừa mới tiếp cận công nghệ Blockchain và tiền điện tử. Quy định pháp luật chặt chẽ sẽ đảm bảo được an ninh và lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, hiện nay chính là thời điểm then chốt để lý thuyết hóa và xác định các vấn đề còn tiềm ẩn trong mối quan hệ giữa công nghệ chuỗi khối với khung pháp lý hiện hành. Chỉ khi các cơ quan lập pháp, hành pháp cùng với người dùng các ứng dụng này tích lũy được kinh nghiệm thực tế thì mới có thể đạt được tính pháp lý hợp lý về việc sử dụng chúng và cách giải quyết các vấn đề pháp lý khác nhau. Vì lẽ đó, các cơ quan quản lý nên cho phép tự do phát triển phần mềm để không gây cản trở sự phát triển của công nghệ này, đồng thời đảm bảo các hệ thống kiểm soát, kiểm toán được tự điều chỉnh và cộng đồng người dùng Blockchain có thể dễ dàng tiếp cận được.

5. Kết luận

Sự đa dạng trong quan điểm pháp lý giữa các quốc gia đã phản ánh tính phức tạp của công nghệ Blockchain và khả năng tác động của nó lên các lĩnh vực khác nhau. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng có một điểm chung là cả Việt Nam và thế giới đều nhìn nhận công nghệ Blockchain là một công nghệ đầy triển vọng và có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ý tế, giáo dục, quản lý công và còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Việc tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và xây dựng các quy định pháp lý chặt chẽ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cách tiếp cận và ứng dụng công nghệ Blockchain một cách bền vững, an toàn và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng Blockchain cả ở Việt Nam và trên toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật dân sự;

2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Giao dịch điện tử;

3. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/09/2018 Quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật Công nghệ Thông tin;

5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;

6. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Lê Thị Mỹ Hà - Trường Đại học Kinh Tế - Tài Chính Thành Phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Quyết Thắng - Trường Đại học Công nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh

Tạp chí in số tháng 5/2024
Bạn đang đọc bài viết Pháp lý về Blockchain tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận