Phát Đạt: Tiếp tục sa thải nhân sự, thoát lỗ nhờ bán bớt tài sản
TCDN - "Ông lớn" bất động sản Phát Đạt vẫn phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Trong quý 2/2023, công ty tiếp tục sa thải nhân sự và thoát lỗ nhờ bán bớt tài sản. Chưa dừng lại ở đó, dự án Millennium của Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng bị tạm dừng giao dịch.
Tiếp tục sa thải nhân sự, cắt giảm lương
Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt) từng là tên tuổi trong làng địa ốc. Công ty mạnh đến mức cổ phiếu PDR lọt vào rổ VN30 (30 cổ phiếu vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng với VN-Index) trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ sau khi thị trường trái phiếu “đóng băng”, Phát Đạt đi xuống nhanh chóng. Một trong những động thái rõ nét nhất là sa thải nhân sự hàng loạt.
Tại ngày 30/6/2023, số lượng nhân viên của nhóm công ty chỉ còn là 243 người, giảm 112 người, tương đương 31,5% so với cuối năm 2022. Phát Đạt không nêu rõ mức lương dành cho người lao động. Tuy nhiên, khả năng cao xu hướng chính có lẽ là cắt giảm khi mà các chi phí chính đều bị tiết kiệm lại và Phát Đạt thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Chi phí bán hàng quý 2/2023 giảm từ 6,6 tỷ đồng xuống 3,5 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm giảm từ 11,9 tỷ đồng xuống 7,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp quý 2/2023 đạt 41 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 82 tỷ đồng của quý 2/2022, lũy kế 6 tháng đầu năm giảm từ 142 tỷ đồng xuống 83,5 tỷ đồng. Trong khi đó, thù lao cho dàn lãnh đạo cấp cao “tuột dốc”.
Trong quý 2/2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt chỉ nhận 483 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 2,7 tỷ đồng của quý 2/2022, tương ứng mức giảm 2,2 tỷ đồng, tương đương 440%. Bà Trần Thị Hường, Phó Chủ tịch HĐQT giảm thu nhập từ 1 tỷ đồng xuống 798 triệu đồng. Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc là người duy nhất còn giữ được mức thù lao bạc tỷ khi thu nhập của ông giảm từ 1,7 tỷ đồng xuống 1,4 tỷ đồng.
Thoát lỗ nhờ bán bớt tài sản
Quý 2/2022 là thời điểm Phát Đạt chứng kiến doanh thu hao hụt nghiêm trọng. Trong kỳ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt 5,1 tỷ đồng, giảm 848 tỷ đồng, tương đương 99,4% so với quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 1.282 tỷ đồng, tương đương 86,7% so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 197 tỷ đồng.
Dù vậy, Phát Đạt vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 đạt 276 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 300 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận tại Phát Đạt vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước khi giảm 137 tỷ đồng, tương đương 33,2%, 6 tháng đầu năm giảm 395 tỷ đồng, tương đương 56,8%.
Nguyên nhân Phát Đạt thoát lỗ là do công ty thực hiện hoạt động bán tài sản, mà cụ thể ở đây là chuyển nhượng công ty con. Cụ thể, trong quý 2/2023, Phát Đạt ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt từ 829 triệu đồng của quý 2/2022 lên 532 tỷ đồng. Trong đó, có tới 531 tỷ đồng là lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con.
Một trong những vấn đề nữa của Phát Đạt chính là tồn kho quá lớn. Tại ngày 30/6/2023, giá trị hàng tồn kho của công ty lên đến 12.170 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cuối năm 2022 và tăng 4.773 tỷ đồng, tương đương 64,5% so với ngày 31/12/2019 – thời điểm ngay trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Chỉ tiêu hàng tồn kho chiếm 73,5% tài sản ngắn hạn và chiếm 59% tổng tài sản. Có thể thấy, hơn một nửa tài sản của Phát Đạt nằm ở tồn kho. Không ít trong số đó chưa được tháo gỡ pháp lý nên việc bán hàng trở nên khó khăn. Trong khi còn đang loay hoay với “núi tồn kho”, Phát Đạt bị thúc giục triển khai các dự án vốn đã chậm tiến độ.
Cụ thể, hồi giữa tháng 6, sau buổi làm việc với Phát Đạt về một số dự án do đơn vị làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương tổ chức thi công để đẩy nhanh triển khai các dự án chậm tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Ban Quản lý khu kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đảm bảo theo quy định của Nhà nước.
Dù vậy, Phát Đạt vẫn muốn phát triển thêm các dự án khủng. Hồi giữa tháng 7 năm nay, Phát Đạt cho biết, doanh nghiệp đã đề xuất và đang được phép nghiên cứu, khảo sát, thực hiện ý tưởng quy hoạch ba dự án có tổng diện tích lên đến hơn 1.000ha tại tỉnh Lâm Đồng.
Mới đây, Chủ tịch UBND Tp.HCM vừa giao các sở, ngành chức năng khẩn trương thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) về tạm dừng giao dịch khu đất số 132 Bến Vân Đồn (quận 4) - Dự án Millennium của Công ty Phát Đạt.
Trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra đã gửi văn bản đến UBND Tp.HCM đề nghị tạm dừng giao dịch khu đất 132 Bến Vân Đồn trên vì đang tiến hành điều tra vụ án vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và các đơn vị liên quan.
Khu đất 132 Bến Vân Đồn có diện tích hơn 7.300m2 được Công ty Phát Đạt mua lại với giá gần 900 tỷ đồng. Sau đó, Công ty này ký hợp đồng hợp tác với Công ty Trường Phát Lộc để phát triển dự án với tổng giá trị là 883 tỷ đồng với dự án chung cư Millennium.
Công ty Phát Đạt đã xây dựng Trung tâm Thương mại - văn phòng và căn hộ tại Bến Vân Đồn vào tháng 5/2016, tổng diện tích sử dụng là hơn 7.300m2, bao gồm 32 tầng, trong đó có 26 tầng khối tháp với 649 căn hộ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899