Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói về cơ chế thu hút người tài
TCDN - Về vấn đề tiền lương để thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh quan điểm phải có cơ chế trả lương như tư nhân và giao quyền tự quyết cho doanh nghiệp.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vấn đề tiền lương của người lao động, chức danh quản lý tại doanh nghiệp nhà nước nhận được nhiều góp ý của các đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chính sách tiền lương cần được điều chỉnh một bước theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, để chế độ tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tạo sức cạnh tranh, thu hút được nhân lực chất lượng cao.
Thực tế, ông Mẫn cho biết nếu so sánh, lương của doanh nghiệp tư nhân luôn cao hơn doanh nghiệp Nhà nước.
Đồng tình, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng doanh nghiệp Nhà nước cũng cần cơ chế trả lương như khu vực tư nhân, giao quyền tự quyết cho doanh nghiệp.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
"Một kỹ sư giỏi, doanh nghiệp tư nhân trả lương 100 triệu đồng mỗi tháng, mình chỉ trả lương 10 triệu đồng, thì làm sao thu hút được", Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự thảo luật quy định Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động.
Như vậy, theo Bộ trưởng Thắng, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước được giao quyền chủ động về quyết định chính sách tiền lương cho người lao động.
Điều này, ông nhấn mạnh phù hợp với Nghị quyết 12 của Trung ương, trong đó xác định chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, cạnh tranh trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, với lương của chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, theo Bộ trưởng Tài chính, cần xin ý kiến của cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính khi thẩm tra dự thảo luật này đề nghị không quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định chính sách tiền lương với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.
Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng nếu yêu cầu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu là can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Doanh nghiệp kinh doanh có lãi, lãnh đạo cần có toàn quyền", ông Thanh nói và cho rằng thêm thủ tục phải xin ý kiến là phát sinh thêm thủ tục hành chính, không cần xin xỏ quá nhiều.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899