PwC: 57% người lao động châu Á - Thái Bình Dương "hài lòng" với công việc của họ

15/08/2022, 15:14

TCDN - Theo kết quả “Khảo sát về lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương năm 2022” của PwC với gần 18.000 người lao động tham gia thì chỉ có 57% người lao động trong khu vực hài lòng với công việc của họ.

Khoảng 1 phần 3 người được hỏi có kế hoạch hoặc có khả năng yêu cầu tăng lương hay yêu cầu được thăng chức trong vòng 12 tháng tới. 1 phần 5 cho biết họ dự định chuyển sang một công việc mới. Những con số này chính là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp trên toàn khu vực, trong bối cảnh nhiều chủ lao động đã phải chật vật với tình trạng thiếu hụt nhân viên có kỹ năng và nhân tài trong nhiều năm qua.

Nhận xét về những kết quả nổi bật của “Khảo sát về lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương năm 2022” và ý nghĩa đối với thị trường lao động tại Việt Nam, Aik Sern Lee, Giám đốc, Tư vấn Quản lý - Chuyển đổi nguồn nhân lực, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam, chia sẻ: “Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, người lao động đang suy nghĩ lại về nhiều thứ trong cuộc sống, và công việc đứng đầu trong danh sách đó.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Sự biến đổi và phát triển nhanh chóng trong bức tranh lao động mang tới cho những nhà lãnh đạo cơ hội hiếm có để điều chỉnh các phương pháp tiếp cận thông thường nhằm thu hút, giữ chân và quản lý nhân tài. Việt Nam, nước có dân số trẻ và nằm trong nhóm các nước sử dụng điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn cầu, đang phải đối mặt với thách thức về tốc độ tăng trưởng nhanh và nhu cầu nhân tài cao trong và ngoài nước. Các cuộc trao đổi và định hướng nghề nghiệp là điều vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp và nhân viên của họ”.

Theo kết quả khảo sát của PwC, khi người lao động đang được trao quyền ngày càng nhiều hơn, tăng lương không còn là giải pháp duy nhất trong chiến lược con người. Trong thị trường lao động eo hẹp hiện nay, một số ngành nghề đang tăng chi phí tuyển dụng từ 20 - 40%. Đây là một hướng phát triển không bền. Bởi 68% người lao động muốn được khen thưởng một cách công bằng, nhưng họ cũng coi trọng những thứ khác. 64% muốn làm công việc mang lại cảm giác thỏa mãn và có giá trị, 62% muốn được là chính mình khi làm việc. Những ưu tiên này tương đồng với nhau bất kể người tham gia khảo sát làm việc với hình thức từ xa, trực tiếp hay kết hợp cả hai.

Khảo sát của PwC cho thấy mô hình làm việc linh hoạt (hybrid) đang trở nên phổ biến. 68% người lao động châu Á-Thái Bình Dương cho biết công ty họ làm việc sẽ tiếp tục hình thức làm việc linh hoạt trong vòng 12 tháng tới và tỉ lệ tương tự với người lao động mong muốn được tiếp tục áp dụng hình thức làm việc này. Trên toàn khu vực, chỉ 10% người lao động muốn làm việc trực tiếp trong 12 tháng tới.

Đáng chú ý, gần 2/3 thế hệ Z và Millennials tham gia khảo sát đánh giá việc có thể là chính mình trong công việc là vô cùng quan trọng. Chìa khóa dành cho lãnh đạo doanh nghiệp là tập trung vào sự đa dạng, tin tưởng và trao quyền. Nơi làm việc đa dạng giúp người lao động thoải mái là chính mình. Để tạo ra cảm giác nhân viên thuộc về tổ chức, các nhà lãnh đạo phải cho thấy họ coi trọng kỹ năng, kinh nghiệm và quan điểm đa dạng của người lao động. Họ cũng cần thúc đẩy sự đa dạng giữa các cấp lãnh đạo.

Theo khảo sát, gần một nửa (45%) các doanh nghiệp đang nâng cao kỹ năng cho người lao động của họ. Thông thường, các doanh nghiệp coi việc nâng cao kỹ năng là một giải pháp ngắn hạn để lấp đầy những khoảng trống kỹ năng hơn là một cách để phát triển một chiến lược nguồn nhân lực cạnh tranh lâu dài. Một phần ba người tham gia khảo sát nói rằng quốc gia/khu vực của họ thiếu những người có kỹ năng để thực hiện công việc. 42% lo lắng công ty của họ sẽ không đào tạo cho họ những kỹ năng công nghệ mà họ cần.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết PwC: 57% người lao động châu Á - Thái Bình Dương "hài lòng" với công việc của họ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hai “Big Four” kiểm toán KPMG và PwC rút khỏi Nga
Trước tình hình Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraina, KPMG và PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) - 2 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Big Four) sẽ ngừng hoạt động các công ty tại Nga.
PwC: Hoạt động M&A tăng trưởng mạnh trong năm 2022
Báo cáo mới nhất của PwC về Các Xu hướng của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Toàn cầu 2022 cho thấy, giá trị giao dịch toàn cầu đạt tăng trưởng kỷ lục ở mức tăng 57% và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, bất chấp các biến động thị trường.