Quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn: Đổi mới mô hình, tập trung nguồn thu về ngân sách

23/04/2020, 15:07

TCDN - Nguồn thu từ thu cổ phần hóa, thoái vốn sẽ chuyển sang thu trực tiếp về NSNN, phân cấp thu giữa NSTW và NSĐP theo quy định của Luật NSNN… là nội dung được Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Nghị định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

0_ttfq

Xem xét để lại nguồn thu tại một số địa phương

Lũy kế giai đoạn năm 2016 - 2019 số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) là 177.761 tỷ đồng (năm 2019 số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp về Quỹ là 5.005 tỷ đồng), trong đó thu từ thoái vốn nhà nước tại Vinamilk và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (Sabeco) là 129.571 chiếm 73% nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn này.

Tổng số tiền Quỹ đã nộp về NSNN trong giai đoạn 2016 - 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội là 205.000 tỷ đồng, trong đó: Năm 2016 nộp 30.000 tỷ đồng, năm 2017 nộp 60.000 tỷ đồng, năm 2018 nộp 65.000 tỷ đồng và năm 2019 nộp 50.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể: Cơ chế quản lý nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn bị điều chỉnh bởi các nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Theo quy định của Luật NSNN năm 2015 (điểm m khoản 1 Điều 35 và điểm k khoản 1 Điều 37), các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách trung ương (NSTW) hoặc ngân sách địa phương (NSĐP). Việc thu vào NSNN sẽ được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật NSNN. Tuy nhiên, theo văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa và quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ để quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết số 26/2016/QH14 nêu rõ, nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được nộp vào ngân sách trung ương (thông qua Quỹ) và các địa phương đang thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, Quốc hội, Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đồng ý hoặc đang xem xét để lại từ nguồn thu sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh.

Một vấn đề khác, nguồn thu về Quỹ thời gian qua chủ yếu từ các doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành trung ương. Mặc dù công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tổ chức triển khai của các cơ quan đại diện chủ sở hữu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, chế độ thu nộp, báo cáo về Quỹ.

Để giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Bộ Tài chính dự thảo Nghị định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Trong đó, đề xuất thay đổi mô hình quản lý, sử dụng nguồn thu từ thu về Quỹ hiện nay sang thu trực tiếp về NSNN, phân cấp thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN.

Ưu tiên bố trí dự toán chi cho 02 nhóm đối tượng

Dự thảo quy định, nguồn thu từ cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu được nộp về ngân sách trung ương. Nguồn thu từ cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu được nộp về ngân sách địa phương.

Các khoản thu về chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu và thoái vốn nhà nước, gồm: Thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; Thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác của doanh nghiệp nhà nước; Tiền thu từ thoái vốn tại các doanh nghiệp bàn giao về SCIC để thực hiện thoái vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: Tiền thu từ thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định; Tiền thu từ chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm tại công ty cổ phần và quyền góp vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Việc sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước sau khi nộp vào NSNN được ưu tiên bố trí dự toán chi cho 02 nhóm gồm: Nhóm 1, các khoản chi thường xuyên gồm: chi xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế; chi phí liên quan đến cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác; chi phí liên quan đến thoái vốn nhà nước.

Nhóm 2, các khoản chi đầu tư phát triển, gồm: chi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp nhà nước, bổ sung vốn nhà nước cho doanh nghiệp; chi mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và các khoản chi khác theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với ngân sách trung ương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với ngân sách địa phương.

Theo Bộ Tài chính, việc thay đổi mô hình nhằm hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật NSNN. Cụ thể, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương. Việc thu vào ngân sách nhà nước sẽ được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật NSNN.

Hơn nữa, quy định này cũng sẽ bắt buộc các khoản thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán NSNN hàng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn; ưu tiên được bố trí dự toán chi cho đầu tư phát triển, tạo nguồn lực lâu dài; các trường hợp thu vượt, đột xuất cần báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quản lý và sử dụng nguồn thu này theo quy định pháp luật.

Cơ quan soạn thảo đánh giá, việc thay đổi mô hình này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực về kinh tế - xã hội. Thực tế quá trình quản lý Quỹ cho thấy, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm việc thu nộp về Quỹ, một số địa phương đã giữ lại tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại tài khoản tạm thu ngân sách địa phương, chưa nộp về Quỹ; các khoản nợ tồn đọng của Quỹ không xử lý dứt điểm do thiếu chế tài xử lý đủ mạnh... Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật NSNN: “Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật”, theo đó các khoản thu thuộc NSNN được thực hiện chế tài xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế. Thay đổi mô hình sẽ giúp NSNN quản lý được triệt để hơn khoản thu này.

Bên cạnh đó, thay đổi mô hình cũng thuận lợi hơn vì hiện tại NSNN đã có tài khoản thu hồi vốn của nhà nước mở tại KBNN trung ương và KBNN địa phương, đảm bảo thu đúng, kịp thời nguồn thu cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp... vào NSNN.

Với quy định mới này, vấn đề đặt ra là nguồn thu sẽ không được quản lý tập trung, phân chia theo Trung ương và địa phương, không tập trung nguồn lực này để chi cho đầu tư phát triển. Đối với các địa phương không có nguồn thu nào phát sinh, các nội dung chi hỗ trợ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ gặp khó khăn, khi đó ngân sách địa phương sẽ phải bố trí nguồn khác để chi cho các nội dung này.

Duy Long

Tạp chí in số tháng 4/2020
Bạn đang đọc bài viết Quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn: Đổi mới mô hình, tập trung nguồn thu về ngân sách tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đổi mới, sắp xếp DNNN: Chậm thoái vốn, trốn niêm yết
Trong 03 tháng đầu năm 2020, chỉ có 03 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 04 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp cổ phần hoá chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK).