Nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được sử dụng thế nào?
TCDN - Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước do Bộ Tài chính đã quy định cụ thể các khoản thu về và các nội dung bố trí dự toán chi.
Dự thảo Nghị định quy định, nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu được nộp ngân sách trung ương mở tại Kho bạc nhà nước. Nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu được nộp về ngân sách địa phương mở tại Kho bạc nhà nước.
Các khoản thu về ngân sách nhà nước theo phân cấp trung ương và địa phương gồm: i) Các khoản thu về chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu và thoái vốn nhà nước, gồm: Thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; Thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác của doanh nghiệp nhà nước; Thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có tiền thu từ thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định; Tiền thu từ chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm tại công ty cổ phần và quyền góp vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Tiền thu từ thoái vốn tại các doanh nghiệp bàn giao về SCIC để thực hiện thoái vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
ii) Các nguồn thu khác có liên quan, bao gồm cả: khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước không có kế hoạch đầu tư trong tương lai; khoản tiền lãi chậm nộp (nếu có).
Thời gian thực hiện nộp các khoản thu từ sắp xếp, cổ phần hòa, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Việc sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước sau khi nộp vào ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí dự toán chi cho các nội dung sau: Các khoản chi thường xuyên để bù đắp, hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, gồm: Chi hỗ trợ để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, tinh giản biên chế; Chi bù đắp chi phí liên quan đến cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi khác; Chi bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn.
Xem chi tiết tờ trình và dự thảo Nghị định tại đây.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899