Tháng 3/2020 trắng sổ, không có doanh nghiệp nhà nước nào được cổ phần hóa

30/03/2020, 13:36

TCDN - Trong 03 tháng đầu năm 2020, chỉ có 03 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, tháng 3/2020, không có doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội nằm trong danh sách cổ phần hóa năm 2020

Tổng công ty Vận tải Hà Nội nằm trong danh sách cổ phần hóa năm 2020

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 – tháng 3/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. 

Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch. TP Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.

Về tình hình thoái vốn, trong tháng 3/2020, có 02 đơn vị báo cáo tình hình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp (Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) với tổng giá trị là 213,4 tỷ đồng, thu về 308,5 tỷ đồng.

Trong 03 tháng đầu năm 2020: thoái được 397 tỷ đồng, thu về 772 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – tháng 3/2020: thoái 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 03 tháng đầu năm 2020, có 04 DNNN thực hiện thoái vốn với tổng giá trị là 79 tỷ, thu về 220,6 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 – tháng 3/2020: Thoái vốn nhà nước tại 96 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.783 tỷ đồng, thu về 9.185 tỷ đồng.

Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị, người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN.

Đồng thời, các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao; Thường xuyên đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Tháng 3/2020 trắng sổ, không có doanh nghiệp nhà nước nào được cổ phần hóa tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Quý 1/2020 sẽ có Nghị định mới về cổ phần hóa
Để tiến trình cổ phần hóa đúng theo tiến độ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2007 hướng dẫn cổ phần hóa doanh nghiệp để xử lý những vướng mắc về đất đai cho các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.