Kiến nghị 5 trường hợp doanh nghiệp FDI chưa được "lên sàn"

30/03/2020, 10:47

TCDN - Dù pháp luật hiện hành không đề cập đến việc cấm hay không các doanh nghiệp FDI được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, có 5 trường hợp doanh nghiệp FDI cần phải thận trọng, chưa cho phép lên sàn.

Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công (SBT) là 1 trong 4 doanh nghiệp FDI đã được niêm yết 100% vốn điều lệ

Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công (SBT) là 1 trong 4 doanh nghiệp FDI đã được niêm yết 100% vốn điều lệ

Luật mới không đề cập đến chuyện "lên sàn" của DN FDI

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2019, có 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Doanh nghiệp FDI) thực hiện niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán, trong đó có 3 doanh nghiệp bị hủy niêm yết do kinh doanh thua lỗ.

Trong 8 doanh nghiệp còn lại, có 4 doanh nghiệp đã được niêm yết 100% vốn điều lệ, bao gồm Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh nay là Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công (SBT), Công ty cổ phần Mirae (kmr), Công ty cổ phần Everpia Việt Nam (EVE), Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam (SBV) do đây là những doanh nghiệp tại thời điểm niêm yết lần đầu hoặc niêm yết bổ sung, vốn đầu tư nước ngoài đã giảm xuống dưới 49% vốn điều lệ và được áp dụng như các doanh nghiệp Việt Nam thông thường khác. 04 doanh nghiệp FDI hiện chỉ đang niêm yết số cổ phiếu chào bán chứng khoán ra công chúng.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp FDI đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn việc niêm yết đăng ký giao dịch theo hướng niêm yết toàn bộ cổ phiếu, không phải chỉ một phần đã chào bán ra công chúng hoặc niêm yết bổ sung tiếp phần cổ phiếu của cổ động sáng lập nước ngoài nắm giữ cụ thể:

Tập đoàn CT&D Đài Loan đề nghị được đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2066/VPCP-QHQT ngày 9/3/2017 đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách để nhà đầu/tư liên doanh nước ngoài có tỷ lệ cổ phần phù hợp có thể tham gia thị trường chứng khoán.

Công ty cổ phần Seoul Metal (SMV) đề nghị niêm yết lần đầu tại HSX, doanh nghiệp này được thành lập dưới dạng công ty 100% vốn nước ngoài năm 2008 và đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 6/9/2017. Hiện nay cổ đông nước ngoài nắm giữ 67,64% vốn điều lệ, trong đó cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ 50,15% vốn điều lệ của smv.

Tiếp đến, Công ty Cổ Phần Tung Kuang cũng đề nghị niêm yết bổ sung 84,52% vốn điều lệ còn lại cho 6 cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ chưa được niêm yết trên HNX.

Công ty cổ phần Santomas Việt Nam đề nghị niêm yết lần đầu trên HNX, công ty này có nguồn gốc là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Malaysia thành lập ngày 19/1/2002 và chuyển đổi sang công mô hình công ty cổ phần năm 2007, đã đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Công ty cổ phần công nghiệp Ngũ Kim fortress Việt Nam đề nghị niêm yết lần đầu tại HSX. Tiền thân là công ty trách nhiệm hữu hạn với 100% vốn nước ngoài từ năm 2006 và được chuyển sang hình thức công ty cổ phần, hiện tỷ lệ hệ sở hữu nước ngoài tại công ty là 89,98%, trong đó của cá nhân nước ngoài là 20,09% và tổ chức nước ngoài là 69,89% tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập nước ngoài là 48,9%.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định, việc cho phép các doanh nghiệp FDI này niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán còn gặp những vướng mắc, cần tiếp tục xử lý.

Thứ nhất, cơ sở pháp lý trước đây hướng dẫn việc niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp FDI đã hết hiệu lực văn bản hiện hành không còn đề cập đến vấn đề này.

Hiện không có quy định pháp luật nào hạn chế các doanh nghiệp FDI niêm yết đăng ký giao dịch. Quan điểm chung của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 là đối xử bình đẳng, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI và giữa doanh nghiệp FDI thành lập theo hình thức công ty cổ phần và doanh nghiệp FDI chuyển đổi. Dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi trình Quốc hội năm 2019, không có quy định khác với nguyên tắc nêu trên của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014.

5 trường hợp chưa nên cho phép "lên sàn"

Luật Chứng khoán hiện hành và Luật Chứng khoán mới đã được Quốc hội thông qua ngày 26/ 11/2019 đều quy định công ty cổ phần nếu đáp ứng đủ điều kiện phải đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đăng ký giao dịch trên thị trường upcom.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần có cơ sở pháp lý để xem xét cho phép các doanh nghiệp FDI được niêm yết căn cứ các điều kiện quy định hiện hành, đồng thời cân nhắc các giải pháp để giám sát quản lý rủi ro có thể phát sinh.

Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện đồng bộ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới và Luật chứng khoán năm 2019 cũng như các văn bản hướng dẫn các luật này.

Thứ hai, một số doanh nghiệp FDI đặc thù cần thận trọng khi cho phép niêm yết đăng ký giao dịch. Theo đó, các bộ liên quan thống nhất là đối với một số trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo mô hình cơ chế đặc thù cần xem xét thận trọng và có sự phối hợp quản lý giám sát chặt chẽ giữa các bộ ngành để tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

Cụ thể: (i) doanh nghiệp thành lập theo hình thức hợp đồng ppp; (ii) doanh nghiệp thực hiện dự án mà trong hợp đồng có cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản thuộc dự án cho Nhà nước Việt Nam hoặc cho bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước; (iii)  doanh nghiệp đã được chấp thuận hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh căn cứ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong đó có quy định về quốc tịch của nhà đầu tư được phép đầu tư kinh doanh;

(iv) doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án trên cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; (v) doanh nghiệp thực hiện dự án với các cam kết về năng lực nhà đầu tư, ưu đãi đầu tư, các thỏa thuận ràng buộc được quy định cụ thể tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy phép đầu tư giấy chứng nhận đầu tư.

Bộ tài chính cho rằng trước hết tạm thời chưa cho phép niêm yết/đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp FDI thuộc 5 trường hợp như trên. Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư các điều kiện cụ thể để và đồng bộ về thành lập, hoạt động, chuyển nhượng cổ phần… để hướng dẫn rõ các đối tượng và điều kiện để các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị 5 trường hợp doanh nghiệp FDI chưa được "lên sàn" tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan