Quảng Trị: Xây dựng khu công nghiệp sản xuất, kinh doanh từ cát trắng
TCDN - Việc xây dựng Khu công nghiệp với sản phẩm sản xuất ra bằng nguyên liệu (đầu vào) là cát trắng của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản VICO Quảng Trị sẽ đưa tổng số lao động lên 200 người, nộp ngân sách tăng thêm trên 100 tỷ đồng/năm.
Công ty cổ phần VICO Quảng Trị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cát trắng có tổng diện tích 446ha thuộc địa bàn các huyện Hải Thượng, Hải Thọ, Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Lâm và khu vực Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Công suất khai thác giai đoạn 1: 453.000 tấn/năm; giai đoạn 2: 150.000 tấn/năm, thời hạn khai thác 29 năm (từ 2011 đến 2040). Theo đó, đến năm 2016 Công ty VICO đã đưa hệ thống dây chuyền chế biến cát đi vào hoạt động. Sản phẩm của doanh nghiệp này chế biến thô rồi xuất khẩu qua một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước Châu Phi. Đến tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ có Công văn 602 chỉ đạo ngừng xuất khẩu khoáng sản thô (trong đó đó có cát trắng), chỉ xuất khẩu các loại đã qua chế biến sâu có giá trị.
Trong thời gian chế biến và xuất khẩu sản phẩm cát tinh chế của những hợp đồng đã được kí kết trước ngày ban hành Công văn 602 nói trên, Công ty VICO đã tìm hướng mới cho hoạt động khai thác khoáng sản - cát trắng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty cổ phần VICO Quảng Trị đã liên doanh với một số đối tác để đầu tư thêm các dự án ngay trên diện tích đất của VICO Quảng Trị. Cụ thể, VICO Quảng Trị đã liên doanh với Công ty TNHH công nghiệp NSG Việt Nam (doanh nghiệp do người Nhật Bản làm chủ) xây dựng nhà máy chế biến cát thạch anh cao cấp, với công suất 225.000 tấn/năm, tổng mức vốn đầu tư là 164 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 4/2020 đưa vào hoạt động, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 185 tỷ đồng. Để tiêu thụ sản phẩm cát thạch anh mà NSG liên doanh với VICO Quảng Trị, NSG đã xây dựng nhà máy sản xuất kính năng lượng mặt trời tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vì vậy, sản phẩm cát thạch anh sau khi được sản xuất tại Quảng Trị sẽ cung cấp cho nhà máy sản xuất kinh năng lượng mặt trời (NSG).
Song song việc liên doanh với SNG, VCO Quảng Trị cùng với đối tác truyền thống của mình, đó là Công ty TNHH Saint – Gobain Việt Nam (do người Pháp làm chủ doanh nghiệp) đầu tư thêm dự án sản xuất tấm lợp Calcium Silicate, với công suất 5.000.000m2 tấm/năm và 8.000.000m2 tấm đá nhân tạo gốc Calcium Silicate/năm, tổng mức vốn đầu tư 220 tỷ đồng. Dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2019, doanh thu mỗi năm đạt trên 190 tỷ đồng.
Sau khi các dự án nói trên chính thức đi vào hoạt động VICO Quảng Trị sẽ đưa tổng số lao động lên 200 người, chủ yếu là con em tại địa phương Quảng Trị, nộp ngân sách tăng thêm trên 100 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, giá trị tính đơn vị sản phẩm tăng gấp gần 2 lần so với xuất khẩu cát tinh chế.
Để mở rộng quy mô hoạt động, VICO Quảng Trị sẽ tiến hành xây dựng khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 60ha để kêu gọi thêm một số nhà đầu tư cùng liên doanh thêm một số dự án. Được biết, tỉnh Quảng Trị đã đồng ý đề nghị của VICO.
Quảng Trị là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải miềnTrung có bờ biển dài 75km, theo đó diện tích vùng cát trắng khá lớn. Đến thời điểm hiện tại riêng điểm mỏ Bắc - Nam Cửa Việt và khu vực ngã 5 thuộc các xã Hải Thượng, Hải Thọ, Hải Thiện, Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Lâm và khu vực xã Hải Ba, huyện Hải Lăng được quy hoạch với diện tích khoảng 1.000 ha. Tài nguyên dự báo trên toàn tỉnh là 124 triệu tấn. Tuy nhiên, để nâng giá trị khoáng sản – cát trắng lên nhiều lần thì đòi hỏi phải có các dự án đầu tư chế biến sâu.
Sự chuyển hướng đầu tư của VICO Quảng Trị vừa đúng với chủ trương của Chính phủ, vừa đáp ứng mong muốn của quê hương Quảng Trị. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án nói trên còn phụ thuộc nhiều yếu tố cũng như bao thử thách ở trước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899