SCIC và mục tiêu trở thành Quỹ đầu tư của Chính phủ
TCDN - Trong năm 2020, doanh thu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ước đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch. Giai đoạn tiếp theo, hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ đầu tư của Chính phủ.
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động mạnh tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tuy nhiên, SCIC vẫn ghi nhận được những kết quả tích cực.
Cụ thể, đến 31/12/2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch. Trong đó doanh thu cổ tức ước đạt 4.633 tỷ đồng, bằng 134% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước đạt 1.173 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 602 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch; doanh thu tài chính ước đạt 2.128 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế: ước đạt 6.588 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế: ước đạt 6.197 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.
Đối với công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã tiếp nhận 07/14 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 8.306 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.246 tỷ đồng.
Với vai trò cổ đông nhà nước, SCIC đã bước đầu kiện toàn hệ thống Người đại diện tại doanh nghiệp, triển khai thực hiện các biện pháp quản trị doanh nghiệp, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến. Đồng thời, SCIC đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý các tồn tại; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giai đoạn 2015-2020, SCIC đã bán vốn thành công tại 253 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 14 doanh nghiệp thu về 42.145 tỷ đồng trên giá vốn 8.910 tỷ đồng, gấp 4,7 lần. Hiện danh mục SCIC còn 145 doanh nghiệp, trong đó có hơn 50% doanh nghiệp đã triển khai bán vốn nhưng không thành công.
Đối với cơ hội đầu tư vào Vietnam Airlines theo chỉ đạo của Chính phủ, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa được thông qua, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay, đồng thời SCIC được chỉ định tham gia đợt tăng vốn của tổng công ty này. SCIC sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác đầu tư vào Vietnam Airlines theo thẩm quyền.
Hiện tại, Vietnam Airlines đang xây dựng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán nhà nước xem xét cho ý kiến. Còn nhiệm vụ của SCIC là phải xác định giá phát hành hợp lý sát thị trường để mua vào. SCIC đang làm việc với Vietnam Airlines để xác định giá phát hành cổ phiếu.
Theo lãnh đạo SCIC, muốn xác định được giá cổ phiếu phát hành, Vietnam Airlines phải xác định giá trị doanh nghiệp. Muốn định giá được thì doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh tối thiểu 5 năm. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của Vietnam Airlines hiện có rất nhiều ẩn số, trong đó có ẩn số lớn nhất là thời điểm dịch COVID-19 kết thúc để Vietnam Airlines mở lại các đường bay quốc tế.
Bên cạnh việc hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ, báo cáo các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động, trong năm 2020, SCIC đã triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2020-2025 của SCIC.
Dự thảo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035 xác định định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ”, hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ Đầu tư của Chính phủ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899