Sẽ có 50 doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung

05/02/2020, 10:06

TCDN - Doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng được các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới lựa chọn là nhà cung ứng cấp 1 trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Samsung cam kết chung tay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thể hiện qua việc tăng số lượng chọn doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, đó cũng là bằng chứng cho sự bền vững tro

Lễ ký ghi nhớ hợp tác giữa Samsung với các đối tác Việt Nam ngày 4/2.

Lễ ký ghi nhớ hợp tác giữa Samsung với các đối tác Việt Nam ngày 4/2.

ng quá trình hợp tác giữa Samsung và Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ".

Phát biểu trên được ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam tại buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương về việc hỗ trợ tư vấn cải tiến cho DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại địa bàn tỉnh, ngày 4/2.

Tại buổi làm việc, ông Choi cho biết năm 2014 Samsung chỉ lựa chọn được 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 thì con số này đã tăng lên 42 doanh nghiệp trong năm 2019 và tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp; quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Sự liên kết giữa các DN trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo; sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú…

Phó Thủ tướng kỳ vọng, với sự hỗ trợ của Samsung Việt Nam - một tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc, Chương trình tư vấn phát triển CNHT do tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện sẽ đem lại kết quả cao.

Đối với việc phát triển CNHT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, để ngành CNHT đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

“Chính phủ đang nỗ lực hành động để phát triển ngành CNHT gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật CNHT để trình Quốc hội xem xét, ban hành trong thời gian tới. Tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc, bất hợp lý trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 liên quan đến phạm vi CNHT, trong đó làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Xây dựng định hướng phát triển CNHT cho một số ngành chính có thế mạnh thay thế sản phẩm nhập khẩu trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các DN CNHT trong nước. Tham mưu cho Chính phủ thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các DN CNHT, với định hướng là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế.

Bộ KH&CN thực hiện điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với DN CNHT. Hỗ trợ các DN tiếp cận, đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng ứng dụng và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để phát triển các ngành CNHT từ nay đến năm 2025, với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian vay, hạn mức vay và tài sản thế chấp.

 “Tôi hy vọng rằng sau chương trình này, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Samsung Việt Nam sẽ có thêm nhiều DN của tỉnh Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và quan trọng hơn, Hải Dương sẽ trở thành địa bàn hấp dẫn để thu hút, phát triển công nghệ cao, đạt tỷ lệ nội địa hóa cao trong tương lai”, Phó Thủ tướng nói.

Về phía các DN, Phó Thủ tướng kỳ vọng các DN nỗ lực để “trưởng thành”, trở thành những nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Sẽ có 50 doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan