Sự cố các ngân hàng thế giới: Không nên tự tin thái quá, đánh giá thấp rủi ro mọi tài sản

10/07/2023, 13:59
báo nói -

TCDN - Từ sự cố các ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ, CIEM cho rằng có 6 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như không tạo ra tâm lý tự tin thái quá vì “quá lớn để có thể sụp đổ”; khi giám sát hoạt động của ngân hàng thì không được đánh giá thấp rủi ro của mọi loại tài sản.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, một nội dung quan trọng tại Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” là vấn đề kinh tế vĩ mô nổi bật: diễn biến thị trường tài chính toàn cầu.

Theo đó, khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2023 đã chứng kiến những sự cố lớn đối với một số định chế tài chính ở một số nền kinh tế có nhiều kết nối và ảnh hưởng trên thị trường tài chính quốc tế.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Từ sự cố của các ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ, CIEM cho rằng, có 6 bài học rút ra cho Việt Nam. Đó là không tạo ra tâm lý tự tin thái quá vì “quá lớn để có thể sụp đổ”. Thứ hai, khi giám sát hoạt động của ngân hàng thì không được đánh giá thấp rủi ro của mọi loại tài sản, kể cả những tài sản vốn thường được coi là an toàn như trái phiếu chính phủ. Thứ ba, cần đánh giá sớm và đúng mức tác động dây chuyền của sự cố ngân hàng. Thứ tư, cần bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Thứ năm, cần thận trọng khi cân nhắc các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các ngân hàng càng phải xem xét kỹ rủi ro ESG trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Thứ sáu, công tác điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát càng cần phải tính toán thấu đáo đến các kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, cũng như mức độ ảnh hưởng đối với hoạt động ổn định và an toàn của các ngân hàng.

“Diễn biến và bài học từ một số sự cố của các ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ cho thấy Việt Nam cần kết hợp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với việc điều chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính cho phù hợp với cấu trúc kinh tế; gắn kết các thị trường cấu thành (bao gồm thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường ngoại hối) vận hành thành một thể thống nhất, ăn khớp bổ trợ cho nhau theo hướng cùng hoạt động an toàn, cạnh tranh và hiệu quả, hướng tới việc thực hiện các mục tiêu cuối cùng chứ không chỉ là các mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ”, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay.

Cùng với đó, xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh, cạnh tranh, với nền tảng thể chế và thông tin minh bạch, qua đó giúp hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính phát triển ổn định.

Các ngân hàng thương mại cần có những đổi mới mạnh mẽ, trong quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro, năng lực tài chính và xây dựng những điều kiện tín dụng mới, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn của nhiều nhóm doanh nghiệp, nhất là các nhóm đối tượng ưu tiên.

Ông Nguyễn Hoàng Dương nhấn mạnh, quá trình đổi mới quản trị ngân hàng đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận mở hơn để điều tiết ngành ngân hàng, bao gồm mở hơn đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại. Để làm được như vậy, Việt Nam cần tích cực tham gia trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng hiện có của ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, củng cố, đổi mới và hoàn thiện hệ thống thanh tra giám sát thị trường lên một tầm cao mới với những mô hình giám sát bao trùm được các hoạt động phức tạp, đa dạng của thị trường tài chính. Yêu cầu báo cáo thông tin cần được hoàn thiện và thực thi chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt được các diễn biến mới trên thị trường; và giảm được chênh lệch thông tin giữa ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại, đặc biệt là liên quan đến rủi ro mất cân đối kỳ hạn (nếu có).

Việt Nam cần cập nhật chiến lược phát triển ngành ngân hàng, bao gồm các ngân hàng mạnh và yếu. Với chiến lược đó, Việt Nam cần chủ động đưa ra các mục tiêu cụ thể lên quan đến nâng cao mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng để cải thiện uy tín và áp dụng các thông lệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài ra, cần cân nhắc đa chiều và hài hòa trong việc điều hành công cụ chính sách tiền tệ hướng tới kiểm soát lạm phát và giữ ổn định hệ thống ngân hàng thương mại.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Sự cố các ngân hàng thế giới: Không nên tự tin thái quá, đánh giá thấp rủi ro mọi tài sản tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan