Sửa đổi quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

24/12/2023, 16:21
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, trong đó có phương pháp tính phí, mức phí ưu đãi cơ sở xả thải áp dụng công nghệ hạn chế khí thải.

Dự thảo nêu rõ về phương pháp tính phí bảo vệ môi trường. Theo đó, căn cứ khoản 3 Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại dự thảo Nghị định quy định phương pháp tính phí bảo vệ môi trường đối với khí thải như sau:

Đối với cơ sở xả khí thải thuộc diện phải quan trắc khí thải (quan trắc thường xuyên, liên tục; quan trắc định kỳ): Người nộp phí phải khai, nộp phí theo quý; số phí phải nộp được tính theo công thức sau: F = f + C.

Trong đó, F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý); f là phí cố định: 750.000 đồng/quý (3.000.000 đồng/năm); C là phí biến đổi, tính theo quý. C = CBụi + CSOx + CNOx + CCO.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc diện phải quan trắc khí thải: Người nộp phí chỉ phải nộp phí cố định (3 triệu đồng/năm).

Để khuyến khích cơ sở xả thải áp dụng công nghệ hạn chế khí thải, bảo vệ môi trường, dự thảo Nghị định quy định mức phí ưu đãi. Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải:

Cơ sở xả khí thải có nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải thấp hơn 30% so với hàm lượng được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp: Mức thu phí bằng 75% số phí phải nộp tính theo công thức quy định.

Cơ sở xả khí thải có nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải từ 30% đến thấp hơn 50% so với hàm lượng được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp: Mức thu phí bằng 50% số phí phải nộp tính theo công thức quy định.

Theo dự thảo, tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP thì được trích để lại 25% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí theo quy định, trong đó bao gồm chi kiểm tra định kỳ, đột xuất cơ sở xả khí thải, chi lấy mẫu, phân tích mẫu khí thải phục vụ hoạt động thu phí. Nộp 75% số phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Bộ Tài chính cho hay, ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.

Hiện ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.

Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của TTgCP phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.

Theo Bộ Tài chính, pháp luật về quản lý khí thải đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, hoạt động quản lý quan trắc môi trường đối với khí thải cơ bản mới áp dụng được với các cơ sở có lượng xả thải khí thải lớn (thuộc diện phải quan trắc môi trường). Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là khoản thu mới, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường  và các Bộ liên quan mới nghiên cứu và đề xuất quy định thu phí đối với 04 loại khí thải và áp dụng đối với cơ sở xả khí thải lớn; có điều kiện về công nghệ, thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc môi trường làm cơ sở khai, nộp phí.

Qua quá trình nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải gửi Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án Nghị định quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định phí bảo vệ môi trườngquy định đối với khí thải là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật phí đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo vệ môi trường và nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính quyết thu phí khí thải
Trong dự thảo đề án thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải, Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng việc thu phí BVMT với các cơ sở sử dụng nguyên, nhiên liệu đã chịu thuế BVMT như xăng, dầu, than đá... là "phí chồng thuế".