Sửa đổi quy định thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong đăng ký giao dịch bảo đảm

06/04/2023, 07:20
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 202/2016/TT-BTC (Thông tư 202) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, trong đó có bổ sung một số loại phí.

Theo Bộ Tài chính, qua 6 năm thực hiện Thông tư 202 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu, chi, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng như nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm và các quy định của pháp luật liên quan đã được sửa đổi, liên quan trực tiếp đến quy định thu phí tại Thông tư 202. Vì vậy, cần phải sửa Thông tư 202 để phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tại dự thảo đề xuất một số loại phí như phí đăng ký văn bản thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm là 30.000 đồng/hồ sơ; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký xóa văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm có mức phí là 20.000 đồng/hồ sơ…

Dự thảo bổ sung thêm mức thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu một lần để tự tra cứu theo tiêu chí cơ bản và trả phí là 10.000 đồng/lần truy cập. Mức phí này dựa trên kết quả của máy cho biết trung bình mỗi lần tra cứu, tìm kiếm thông tin sẽ cần tới 5 lần giao dịch. Do đó, chi phí cho công tác quản lý, vận hành để có thông tin/dữ liệu cho mỗi giao dịch ước tính là 2.000 đồng/giao dịch.

Mặt khác, để đơn giản thủ tục thu, nộp phí, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện, Bộ Tài chính nhất trí với đề nghị bổ sung quy định cho phép người nộp phí có thể thực hiện nộp phí cho cơ quan đăng ký theo tháng.

Dự thảo cũng đề xuất các trường hợp được miễn phí, bao gồm cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 1 nghị định số 116/2018/NĐ-CP.

Đối với đề xuất điều chỉnh tăng từ 5% lên 10% tiền phí thu được của các trung tâm đăng ký giao dịch tài sản về Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm để trang trải cho hoạt động đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến, cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo không điều chỉnh tăng mức phí, bởi Nghị định 120/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể các nội dung được chi từ nguồn tiền phí để lại, trong đó không có chi phí cho đầu tư, nâng cấp hệ thống đăng ký trực tuyến.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi quy định thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong đăng ký giao dịch bảo đảm tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Vụ “treo” hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, UBND huyện Hóc Môn nợ công dân một câu trả lời?
Sở hữu giấy tờ hợp pháp, không vướng tranh chấp; đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hằng năm cho Nhà nước nhưng khi đem “sổ đỏ” đi thế chấp, người dân lại không thực hiện được do khi đăng ký giao dịch bảo đảm, phía Chi nhánh VP đăng ký đất đai huyện Hóc Môn không chịu giải quyết hồ sơ.
Gần 53 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí
Bộ Tài chính cho biết, tổng số miễn, giảm thuế, phí lũy kế đến tháng 1/2023 ước khoảng 52.623 tỷ đồng, bằng 82,2% số dự kiến xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (64 nghìn tỷ).