Tác động của chính sách thuế GTGT 2025 đến việc thanh toán không dùng tiền mặt
TCDN - Năm 2025, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Việt Nam có nhiều thay đổi đáng chú ý, trong đó nhấn mạnh đến việc khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp đến thói quen tiêu dùng của người dân.
Tóm tắt:
Năm 2025, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Việt Nam có nhiều thay đổi đáng chú ý, trong đó nhấn mạnh đến việc khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp đến thói quen tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và minh bạch hóa nền kinh tế. Bài viết này sẽ phân tích cụ thể những tác động của chính sách thuế GTGT 2024 đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
1. Điểm mới của Luật thuế GTGT 2024 liên quan đến chính sách thanh toán không dùng tiền mặt
Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2024 gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Ngoài những nội dung được kế thừa từ quy định Luật hiện hành, những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan tới người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế GTGT, giá tính thuế, thuế suất, khấu trừ thuế GTGT đầu vào… Trong đó có một điểm đáng chú ý là điều kiện khấu trừ thuế đầu vào. Theo quy định mới, các khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ thuế nếu có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này buộc doanh nghiệp phải thực hiện giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng hoặc các nền tảng thanh toán số, giúp giảm tình trạng trốn thuế, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính.
Việc áp dụng quy định này sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát dòng tiền hiệu quả hơn, giảm nguy cơ thất thu thuế. Ngoài ra, việc yêu cầu thanh toán qua các kênh chính thức cũng giúp giảm tình trạng gian lận thuế, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn giữa các doanh nghiệp. Mục tiêu của chính sách này không chỉ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, mà còn khuyến khích xu hướng số hóa trong lĩnh vực tài chính và thương mại. Các chuyên gia nhận định rằng việc giảm thuế GTGT đi đôi với yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần đẩy mạnh thương mại điện tử, giảm thiểu hiện tượng giao dịch ngầm và nâng cao hiệu quả quản lý thuế của nhà nước. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đã quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch
2. Tác động đến doanh nghiệp và người tiêu dùng
Đối với doanh nghiệp
Để áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, các doanh nghiệp phải thực hiện toàn bộ giao dịch thông qua các kênh ngân hàng, cấn trừ công hợ hoặc tạm ứng cho người lao động. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát dòng tiền tốt hơn, hạn chế thất thoát và sai sót trong giao dịch. Ngoài ra còn giảm rủi ro liên quan đến việc sử dụng tiền mặt như thất lạc, mất cắp hoặc gian lận. Việc áp dụng toàn bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp kế toán minh bạch hơn trong hạch toán kế toán, tra soát giao dịch dễ dàng và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về thuế và kiểm toán. Mặc dù chính sách này mang lại nhiều lợi ích, với những doanh nghiệp lớn đã có đầy đủ điều kiện về công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng nhưng các doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn khi phải chuyển đổi sang hệ thống thanh toán số do phi bỏ chi phí đầu tư vào hệ thống thanh toán điện tử, thiết lập quy trình thanh toán đặc biệt đối với các doanh nghiệp truyền thống chưa quen với công nghệ, có thể là một rào cản lớn. Tuy nhiên, với một bộ phận doanh nghiệp bán hàng cho khách không lấy hóa đơn có thể không xuất hóa đơn cho khách hoặc không thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp chuyển đổi thuận lợi hơn và phải đảm bảo được tính công bằng, minh bạch dựa trên một số chế tài nhằm ngăn chặn việc xuất hóa đơn sai quy định hoặc không xuất hóa đơn cho khách hàng.
Đối với người tiêu dùng
Hiện nay, với đại đa số người tiêu dùng đã và đang thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt việc sử dụng thanh toán này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Trước hết, hình thức thanh toán này tiện lợi và an toàn hơn, cho phép người tiêu dùng dễ dàng thực hiện giao dịch qua thẻ ngân hàng, ví điện tử hoặc mã QR mà không cần mang theo tiền mặt. Hơn nữa, nhiều ngân hàng và nền tảng thanh toán điện tử đưa ra các chương trình khuyến mãi, hoàn tiền hoặc tích điểm để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn gia tăng trải nghiệm mua sắm. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt giúp người tiêu dùng giảm nguy cơ mất cắp, thất lạc tiền hoặc sử dụng phải tiền giả. Họ cũng có thể quản lý chi tiêu hiệu quả hơn thông qua các ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử, giúp kiểm soát tài chính cá nhân tốt hơn. Ngoài ra, việc chuyển sang thanh toán điện tử cũng hỗ trợ xu hướng số hóa trong đời sống, tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại điện tử và các nền tảng dịch vụ trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này vẫn đặt ra một số thách thức, đặc biệt đối với người cao tuổi hoặc những người sống ở khu vực nông thôn chưa quen với công nghệ. Đồng thời, nguy cơ lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử cũng là một mối lo ngại cần được quan tâm. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục tài chính và nâng cao nhận thức về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.
3. Tác động đến nền kinh tế vĩ mô
Việc bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch lớn giúp giảm thiểu gian lận thuế, tạo ra một môi trường tài chính minh bạch hơn. Khi các giao dịch được thực hiện qua ngân hàng hoặc nền tảng điện tử, cơ quan thuế có thể kiểm soát tốt hơn, hạn chế tình trạng trốn thuế. Điều này tạo điều kiện để chính phủ có thêm nguồn lực tài chính nhằm đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, y tế và giáo dục. Ngoài ra, việc giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt cũng giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số minh bạch tài chính và thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài. Khi nền kinh tế số phát triển, Việt Nam có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế và gia tăng sự hội nhập với các nền kinh tế phát triển.
4. Thách thức đối với nhà nước và cơ quan thuế
Việc chuyển đổi sang hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nhà nước và cơ quan thuế. Trước tiên, hạ tầng công nghệ cần được nâng cấp để đáp ứng khối lượng giao dịch điện tử ngày càng lớn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thanh toán, bảo mật dữ liệu và các biện pháp phòng chống gian lận tài chính.
Một thách thức quan trọng khác là quản lý thuế trong môi trường số hóa. Khi giao dịch không dùng tiền mặt trở nên phổ biến, việc kiểm soát và phát hiện hành vi trốn thuế hoặc gian lận thuế dựa trên giao dịch trực tuyến trở nên phức tạp hơn. Các nền tảng thanh toán điện tử, ví điện tử và ngân hàng cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế để cung cấp dữ liệu minh bạch, đồng thời bảo đảm quyền riêng tư của người dùng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có thể tìm cách lợi dụng những lỗ hổng trong hệ thống thanh toán điện tử để thực hiện các hành vi gian lận, chẳng hạn như tạo giao dịch ảo để khấu trừ thuế hoặc báo cáo sai lệch doanh thu. Để giải quyết vấn đề này, nhà nước cần xây dựng các quy định chặt chẽ và triển khai các công cụ kiểm soát hiệu quả.
Cuối cùng, việc chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt cũng có thể làm tăng khoảng cách số giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Những khu vực chưa phát triển về hạ tầng công nghệ hoặc có tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng thấp có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với hệ thống mới. Do đó, chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ và đào tạo để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra toàn diện và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận dân cư.
Kết luận
Chính sách thuế GTGT 2024 không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn hỗ trợ cơ quan quản lý thuế kiểm soát tốt hơn các giao dịch kinh tế, hạn chế tình trạng trốn thuế và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính quốc gia. Việc khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần định hình một nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số, giúp mọi thành phần trong xã hội thích nghi với những thay đổi quan trọng này.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2014), Luật số 48/2024/QH15 ngày 26/11/2024.
2. Chính phủ (2020), Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ.
3. Ngân hàng Nhà nước (2022), Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán, https://www.sbv.gov.vn/;
4. Nguyễn Thị Thùy Hương (2021), Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2021.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899