Tâm lý sợ rủi ro của ban lãnh đạo tập đoàn Google
TCDN - Ban lãnh đạo tập đoàn Google có lý do chính đáng để thận trọng, vì sự bối rối của người dùng đối với những công nghệ mới đã thể hiện rõ ràng.
Ngày 6/12, Google ra mắt mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới mang tên Gemini. Giám đốc điều hành DeepMind, ông Demis Hassabis khẳng định đây là chatbot mạnh nhất của tập đoàn.
Chỉ hai tháng sau, tập đoàn tiết lộ đã xây dựng một phiên bản còn tốt hơn. Theo Google, Gemini 1.5 lớn, nhanh và kèm nhiều tính năng hơn phiên bản trước.
Hào quang ngắn ngủi
Ngày 15/2, trong một bài đăng trên blog dài 1.600 từ, Gemini 1.5 được giới thiệu một cách thú vị với đầy những cuộn phim hấp dẫn, khiến các nhà nghiên cứu AI và báo chí công nghệ đưa tin rầm rộ.
Song hào quang của Gemini và Google chỉ kéo dài vài giờ. Cuối ngày 15/2, sau "cơn sốt" mang tên ChatGPT, OpenAI tiếp tục khiến cộng đồng công nghệ toàn cầu dậy sóng khi giới thiệu mô hình Sora có khả năng tạo ra các video ngắn dưới một phút, với độ chân thực cao chỉ bằng vài dòng lệnh.
Trên mạng xã hội X, nhiều người dùng bày tỏ sự kinh ngạc với chất lượng video từ mô hình AI mới. Không chỉ hình ảnh chân thực, nhiều video ngắn còn cho thấy sự mô phỏng vật lý gần với thực tế.
"Đây có thể là khoảnh khắc khiến mọi người phải thốt lên kinh ngạc với AI", Tom Warren, biên tập viên tại The Verge nhận định.
Hào quang của Google tắt ngấm bởi một sự việc khác. Ngày 23/2, Google tuyên bố tạm dừng khả năng tạo ra hình ảnh con người của Gemini sau khi công cụ vẽ những hình ảnh không chính xác về mặt lịch sử.
Một số người dùng yêu cầu Gemini tạo hình ảnh của các nhóm hoặc nhân vật lịch sử như nhà khai quốc Mỹ. Kết quả, AI trả về hình ảnh những người không phải da trắng. Hiện tượng ấy dẫn đến các thuyết âm mưu rằng Google đang cố tình tránh mô tả người da trắng, đi ngược lại thực tế lịch sử.
“Đó là cơn ác mộng PR đối với công ty. Nhân viên của Google đang tức giận", một nguồn tin nội bộ tiết lộ với Business Insider.
Tập đoàn luôn đi tiên phong nhưng sợ rủi ro
Từ năm 2016, Tổng giám đốc Sundar Pichai đã mô tả tập đoàn Google là công ty đi đầu về AI. Tuy nhiên, cho đến nay, đại gia công nghệ này vẫn gặp khó khăn trong việc biến những nghiên cứu nền tảng của họ thành các sản phẩm gây ấn tượng.
Một sự thật là tập đoàn Google đã nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong hơn một thập kỷ. Thậm chí, họ còn lặng lẽ kết hợp AI vào Tìm kiếm, sản phẩm quảng cáo và đề xuất video trên YouTube.
Google đã mua lại DeepMind, startup tiên phong về AI trong một cuộc đấu giá bí mật được đánh giá là rất khốc liệt vào năm 2014. Đến năm 2017, tập đoàn đã công bố một nghiên cứu mang tính đột phá giới thiệu cách nhanh và hiệu quả hơn để AI phân tích thông tin.
Công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn đến mức chính OpenAI đã sử dụng nó làm nền tảng cho ChatGPT sau này.
Tất cả đều cho thấy Google chính là một trong những doanh nghiệp lớn đầu tiên tỏ ra nhanh nhạy về triển vọng của AI. Vậy vì sao một tập đoàn công nghệ lớn lại có thể để một startup nhỏ như OpenAI vượt qua?
Một phần câu trả lời có thể nằm ở khả năng chấp nhận rủi ro của tập đoàn Google. Theo Caesar Sengupta, cựu phó chủ tịch Google, nói rằng tập đoàn lo ngại việc phát hành các sản phẩm AI tạo sinh có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận nếu chúng có sai sót.
Một kịch bản tương tự cũng xảy ra với trợ lý giọng nói. Cụ thể, theo hai nguồn tin nội bộ của dự án, tập đoàn Google lo ngại việc trở thành công ty đầu tiên tung ra một sản phẩm như Google Mic vốn tiềm ẩn nhiều vấn đề đau đầu về quyền riêng tư.
Cuối cùng, Alexa của Amazon mới là sản phẩm ra mắt đầu tiên, trong khi tập đoàn Google tụt lại ở vị trí thứ hai.
Ban lãnh đạo tập đoàn Google có lý do chính đáng để thận trọng, vì sự bối rối của người dùng đối với những công nghệ mới đã thể hiện rõ ràng.
Tuy nhiên, định hướng của ban lãnh đạo cũng đồng nghĩa với việc Google phải giữ lại các sản phẩm mà họ mới là người sẵn sàng công bố đầu tiên và để các đối thủ thực hiện việc đó.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899