Thông tư 19/2021/TT-BTC:

Tăng quyền lựa chọn cho người nộp thuế, thêm trách nhiệm của ngân hàng

25/03/2021, 15:12

TCDN - Ngoài việc người nộp thuế (NNT) có nhiều quyền và phương thức giao dịch, Thông tư 19/2021/TT-BTC cũng bổ sung trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền - bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) nhận định.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA)

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA)

NNT được thực hiện giao dịch điện tử 24/7

Đánh giá về những điểm nổi bật của Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, Thông tư đã bám sát các nội dung quy định của Luật Quản lý thuế số 38, đảm bảo vừa đơn giản, dễ hiểu, vừa phù hợp với pháp luật có liên quan. Thông tư cũng đã kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định và không có vướng mắc tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC; Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Đáng chú ý hơn, Thông tư quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng trách nhiệm của NNT cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Đặc biệt, NNT được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày tết.

Thông tư quy định nguyên tắc giao dịch thuế điện tử. Theo đó, NNT thực hiện giao dịch thuế điện tử phải có khả năng truy cập và sử dụng internet, có địa chỉ thư điện tử, có chữ ký số hoặc có số điện thoại di động được một công ty viễn thông ở Việt Nam cấp đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế, trừ trường hợp NNT lựa chọn phương thức nộp thuế điện tử theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đồng thời, NNT cũng có thể lựa chọn nhiều phương thức giao dịch như: trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Song song với đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN cũng được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện nộp thuế điện tử.

Riêng hồ sơ khai thuế, NNT được lựa chọn thêm phương thức lập hồ sơ khai thuế bằng phần mềm, công cụ hỗ trợ kê khai do cơ quan thuế cung cấp, hoặc của NNT đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế, sau đó truy cập vào Cổng TTĐT mà NNT lựa chọn, ký điện tử và gửi hồ sơ khai thuế điện tử đến cơ quan thuế. Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế bao gồm cả tài liệu theo quy định của pháp luật mà NNT không gửi được theo phương thức điện tử thì NNT gửi trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua đường bưu chính.

NNT, cơ quan thuế, các tổ chức cá nhân khác có liên quan, đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trao đổi, truyền, nhận thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác

Mặt khác, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phối hợp quản lý giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế cũng được quy định tại Thông tư. Cụ thể, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các cơ quan nhà nước khác khi thực hiện giao dịch điện tử theo quy định tại Thông tư này phải sử dụng chữ ký số được ký bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Đối với trách nhiệm của ngân hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế cũng như trách nhiệm của cơ quan thuế, Thông tư bổ sung trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, ngoài việc phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các văn bản hướng dẫn liên quan, các đơn vị có trách nhiệm trao đổi, truyền, nhận thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định tại nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; khai thác và bảo mật thông tin của NNT do cơ quan thuế cung cấp bằng phương thức điện tử để sử dụng cho việc quản lý nhà nước, phối hợp thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm trong việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế với Kho bạc Nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đảm bảo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối, trao đổi thông tin giữa Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế với cổng thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo thuận lợi nhất cho NNT trong giao dịch điện tử nhưng cũng đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác có hiệu quả nhất.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Tăng quyền lựa chọn cho người nộp thuế, thêm trách nhiệm của ngân hàng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

VTCA và nhóm cán bộ Thuế trao tặng Quỹ Thiện nguyện hướng về miền Trung trị giá hơn 900 triệu đồng
Vừa qua, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) và nhóm cán bộ Thuế đã tổ chức trao tặng Quỹ Thiện nguyện hướng về miền Trung trị giá 925 triệu đồng và nhiều hiện vật cho 3 trường THCS; 3 trường Mầm non; 40 hộ nghèo; 17 cán bộ thuế bị thiệt hại bão lũ, gia đình khó khăn tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.