Tập đoàn Mai Linh lỗ lũy kế 1.300 tỷ đồng, nợ bảo hiểm kéo dài

10/09/2024, 14:49

TCDN - Tập đoàn Mai Linh của Chủ tịch Hồ Huy lỗ vượt vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm của người lao động với số tiền 4,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Mai Linh ghi nhận lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT - Hồ Huy còn nợ 10 tháng bảo hiểm của người lao động.

Tập đoàn Mai Linh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.589 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2022, lãi sau thuế chỉ gần 4 tỷ đồng nhưng cao gấp 4 lần cùng kỳ, và là mức lãi cao nhất trong vòng 6 năm qua của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 1,2 tỷ đồng, so với khoản lỗ 1,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

Theo báo cáo, tổng tài sản của Tập đoàn Mai Linh đạt 4.271 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.942 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của tập đoàn đạt 4.076 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng so với đầu năm. Trong số này, vay nợ ngắn hạn tăng thêm 50 tỷ đồng, lên 997 tỷ đồng, trong khi vay nợ dài hạn tăng gần 45 tỷ đồng, đạt 404 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 54 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng 11,6% lên hơn 126 tỷ đồng, gần như toàn bộ là chi phí lãi vay.

Tập đoàn Mai Linh lỗ vượt vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm của người lao động với số tiền 4,5 tỷ đồng. (Ảnh Mai Linh)

Tập đoàn Mai Linh lỗ vượt vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm của người lao động với số tiền 4,5 tỷ đồng. (Ảnh Mai Linh)

Chi phí bán hàng giảm 2%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 11% về lần lượt 69 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. Có thể thấy lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trang trải các chi phí khiến Mai Linh lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 41 tỷ đồng, trong khi năm 2022 cũng lỗ thuần gần 97 tỷ đồng. Dù khoản lợi nhuận khác giảm gần một nửa về còn 55 tỷ đồng nhưng cũng đủ để giúp Mai Linh báo lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ chỉ còn 1,2 tỷ đồng trong khi cùng lỗ 1,8 tỷ đồng.

Với việc liên tiếp thua lỗ trong nhiều năm, Tập đoàn Mai Linh ghi nhận khoản lỗ lũy kế 1.306 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Khoản lỗ lũy kế này đã lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu (1.246,6 tỷ đồng).

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh - Hồ Huy

Doanh nhân Hồ Huy sinh năm 1955, quê Thanh Hóa, có trình độ Cử nhân Luật. Sau khi rời quân ngũ, ông là một trong số thế hệ thanh niên được cử đi du học Liên Bang Nga những năm 1980. Sau thời gian học tập ở nước ngoài, ông trở về nước sáng lập hãng vận tải Mai Linh với số vốn ban đầu chỉ có 300 triệu đồng vào năm 1993. Đến tháng 4/1995, ông Huy tiến vào Sài Gòn và lập nên Xí nghiệp Sài Gòn Taxi, dịch vụ Taxi Mai Linh cũng được khai sinh từ đây.

Năm 2002, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh chính thức chào đời. Đến năm 2018 trên cơ sở hợp nhất ba công ty: CTCP Tập đoàn Mai Linh - CTCP Mai Linh Miền Bắc - CTCP Mai Linh Miền Trung, Tập đoàn Mai Linh được cấp mã số thuế mới. Theo đăng ký doanh nghiệp thời điểm tháng 7/2018, Tập đoàn Mai Linh có vốn điều lệ xấp xỉ 1.729 tỷ đồng. Trụ sở công ty đặt tại số 64-68 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ông Hồ Huy là Chủ tịch HĐQT.

Nợ bảo hiểm thời gian dài

Tình hình tài chính của Mai Linh càng trở nên phức tạp hơn khi tập đoàn này vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động trong thời gian dài. Theo Bảo hiểm Xã hội Tp.HCM, tính đến tháng 7/2024, Mai Linh đã nợ bảo hiểm trong 10 tháng với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty TNHH Vina Taxi (tên cũ là Công ty TNHH Đại lý Bảo hiểm Mai Linh) cũng chậm đóng bảo hiểm 5 tháng, với số tiền hơn 76 triệu đồng.

Nợ bảo hiểm kéo dài và tình hình tài chính bất ổn không chỉ ảnh hưởng đến nhân viên mà còn đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển của tập đoàn trong việc giữ vững hoạt động kinh doanh. Từ một hãng taxi khởi nghiệp vào năm 1993 với số vốn 300 triệu đồng, Mai Linh đã từng bước phát triển thành tập đoàn đa ngành, tham gia vào các lĩnh vực như du lịch, bất động sản, tài chính, và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nhiều công ty con của tập đoàn trong các lĩnh vực này đã phải ngừng hoạt động do hiệu quả kinh doanh không như mong đợi.

Tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2024, Mai Linh đã đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu này vẫn là một dấu hỏi lớn khi tập đoàn tiếp tục đối mặt với lỗ lũy kế kéo dài và tình hình nợ nần chồng chất.

Từ vị thế của một trong những hãng taxi hàng đầu Việt Nam, Mai Linh hiện đang tìm kiếm những giải pháp tái cấu trúc để duy trì hoạt động và thích ứng với sự phát triển không ngừng của thị trường.

Xuân Nhi
Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Mai Linh lỗ lũy kế 1.300 tỷ đồng, nợ bảo hiểm kéo dài tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tập đoàn Mai Linh tại Bình Dương bị cưỡng chế thuế
Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Bình Dương do nợ tiền thuế quá 90 ngày.
Nhiều doanh nghiệp bị BHXH Hà Nội 'bêu tên' vì nợ bảo hiểm
BHXH TP Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 2/2024 (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024). 
Thanh Hóa: Loạt doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Theo thông tin từ BHXH tỉnh Thanh Hóa, đến hết ngày 31/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.006 doanh nghiệp, HTX, Hộ kinh doanh cá thể chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 431 tỷ đồng.