Thấy gì từ những gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm "nhỏ giọt" tại huyện Thường Tín
TCDN - Mặc dù các gói thầu trúng với tỷ lệ tiết kiệm rất khiêm tốn nhưng việc Công ty Trung Sơn vẫn liên tục được Ban QLDAĐTXD huyện Thường Tín tin tưởng giao nhiều gói thầu có giá trị lớn khiến hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu ngân sách của địa phương không cao.
Tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu ở nhiều địa phương đạt dưới 1%
Tỷ lệ tiết kiệm được hiểu là một thước đo đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu ngân sách của mỗi địa phương, đơn vị trong công tác đấu thầu. Mặc dù không có quy định mức tiết kiệm sau đấu thầu bao nhiêu là đúng và đủ, nhưng tỷ lệ tiết kiệm càng cao thì càng có lợi cho quỹ ngân sách đầu tư bởi nó được tiết giảm.
Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2022 cho thấy, nhiều địa phương có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu đạt dưới 1% và có xu hướng đạt thấp hơn năm 2021.
Đơn cử như tại tỉnh Lai Châu, năm 2022, địa phương này lựa chọn nhà thầu cho 473 gói thầu với tổng giá gói thầu 3.744,08 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 3.719,96 tỷ đồng, giảm 24,11 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 0,64%.
Tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu của tỉnh Yên Bái năm 2022 đạt 0,79% thông qua lựa chọn nhà thầu cho 4.739 gói thầu. Tổng giá trị gói thầu là 6.120,037 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 6.071,652 tỷ đồng, chênh lệch giảm 48,385 tỷ đồng.
Tỉnh Cao Bằng cho biết, năm 2022 toàn tỉnh lựa chọn nhà thầu cho 4.739 gói thầu với tổng giá trị 6.120,3 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 6.071,6 tỷ đồng, tiết kiệm 0,79% sau đấu thầu (năm 2021, tỷ lệ tiết kiệm của địa phương này đạt 3,74%).
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, năm 2022, thông qua lựa chọn nhà thầu cho 1.050 gói thầu, tỉnh tiết kiệm được 1,294 tỷ đồng, tương đương 0,5% (tổng giá gói thầu 248,963 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 247,669 tỷ đồng).
Đặc biệt, các gói thầu xây lắp có giá trị giảm giá thấp nhất. Theo hình thức lựa chọn nhà thầu thì mua sắm trực tiếp, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu đưa đến giá trị tiết kiệm gần như không đáng kể.
Thực tế, qua thống kê kết quả lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu xây lắp trong năm qua, số lượng gói thầu có giá trúng thầu sát giá gói thầu rất nhiều. Và trong những gói thầu này, nhà thầu trúng thầu thường là các nhà thầu “quen” với chủ đầu tư, bên mời thầu, với tần suất trúng thầu rất lớn.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Sơn (Công ty Trung Sơn), tiết kiệm được cho ngân sách huyện Thường Tín nói riêng và các đơn vị mà nhà thầu này trúng thầu nói chung "nhỏ giọt" khi giá trị tiết kiệm rất thấp, thậm chí sát mức 0%.
Công ty Trung Sơn - nhà thầu "quen mặt" với tỷ lệ tiết kiệm thấp tại huyện Thường Tín
Theo tìm hiểu, công ty Trung Sơn có mã số thuế là 0500555539 được cấp ngày 08/02/2007, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp công trình. Trụ sở tại thôn Phú Cốc, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quang Trung - chức vụ Giám đốc.
Thống kê trên trang đấu thầu cho thấy, đến nay Công ty Trung Sơn đã tham gia 46 gói thầu, trong đó trúng 44 gói, trượt 1 gói, 1 chưa có kết quả với tổng giá trị trúng thầu: 648.004.242.000 đồng (sáu trăm bốn mươi tám tỷ bốn triệu hai trăm bốn mươi hai nghìn đồng). Tỷ lệ trung bình giá dự thầu so với giá dự toán là 98,88%. Hà Nội là địa phương mà doanh nghiệp này trúng thầu nhiều nhất.
Nghiên cứu ngẫu nhiên 14 gói thầu trong số các gói đã trúng kể trên, tổng giá trị là 235.472.616.000 đồng (hơn 235 tỷ đồng), nhưng tiền tiết kiệm vỏn vẹn 1.045.433.149 (hơn 1 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 0,44%.
Như gói thầu số 08: Toàn bộ phần xây dựng công trình tại ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín có giá trúng thầu là gần 54 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 161 triệu đồng, đạt tỷ lệ 0,3%; gói thầu trên 38 tỷ đồng tại UBND huyện Thường Tín (gói thầu số 05) tiết kiệm vỏn vẹn trên 193 triệu đồng, tỷ lệ đạt 0,5%.
Gói thầu số 10 tại huyện Phú Xuyên giá trúng thầu trên 18 tỷ đồng, tiết kiệm được 2,6 triệu đồng, đạt ty lệ 0,01%. Gói thầu số 04 cũng tại huyện Phú Xuyên trên 15 tỷ đồng, tiền tiết kiệm hơn 47 triệu, đạt tỷ lệ 0,3%.
Tương tự, gói thầu số 12 ở huyện Phú Xuyên hơn 14 tỷ, tiết kiệm 6,7 triệu đồng, tỷ lệ đạt 0,05%; có những gói thầu giá trị từ 7-8 tỷ đồng chỉ tiết kiệm được 5-7 triệu đồng cho ngân sách, đạt mức 0,07 và 0,1% (2 gói thi công công trình ở huyện Văn Giang, Hưng Yên và huyện Thường Tín).
Bên cạnh đó, cũng không khó để nhận ra, Công ty Trung Sơn đấu đâu thắng đó, nhất là trên địa bàn huyện Thường Tín. Bởi tỷ lệ “thất bại” rất thấp khi trượt 1 gói do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Thường Tín mời thầu.
Theo thống kê, tháng 12/2018, Công ty Trung Sơn trúng thầu gói thầu do Ban QLDAĐTXD huyện Thường Tín mời thầu với gói thầu số 01: Toàn bộ phần xây dựng công trình với giá trị trên 10,5 tỷ đồng. Năm 2019, Trung Sơn trúng liên tiếp 8 gói thầu do Ban này mời thầu với giá trị hàng chục tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh nghiệp này trúng 3 gói thầu giá trị từ 7 - 50 tỷ đồng. Năm 2021 và 2022, mỗi năm Công ty Trung Sơn cũng "ẵm" được nhiều gói thầu có giá trị.
Đơn cử, ngày 27/12/2021 ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Công ty Trung Sơn trúng gói thầu số 04: Toàn bộ phần xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp trường tiểu học Quất Động huyện Thường Tín, Hà Nội với giá trúng thầu 18,675 tỷ đồng - thời gian thực hiện 390 ngày.
Cũng trong tháng 12/2021, tại gói thầu số 5 toàn bộ phần xây dựng công trình đảm bảo ATGT, Liên danh Công ty Trung Sơn được phê duyệt trúng thầu với giá 38.324.778.000 đồng (giá gói thầu 38.517.859.000 đồng) theo quyết định số 5883/QĐ-UBND do ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ký.
Trước đó, tháng 7/2021 tại gói thầu 01 toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm, lắp đặt thiết bị, liên danh Công ty Trung Sơn cũng được phê duyệt trúng thầu với giá 11.915.309.000 đồng (giá gói thầu 11.954.383.000 đồng) theo quyết định số 3095/QĐ-UBND ngày 2/8/2021 do ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ký. Tại gói thầu gần 12 tỷ đồng này, ngân sách nhà nước tiết kiệm được 39 triệu đồng.
Mặc dù trúng hàng loạt gói thầu có giá trị và tiết kiệm thấp nhưng Công ty Trung Sơn lại có nhiều giao dịch tín dụng huy động vốn tại ngân hàng TMCP Quân Đội chi nhánh Thanh Trì và ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Thường Tín.
Giao dịch gần đây nhất vào ngày 26/12/2022, tại ngân hàng TMCP Quân Đội chi nhánh Thanh Trì, công ty Trung Sơn có ký kết tài sản đảm bảo là toàn bộ hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là vật liệu xây dựng đã, đang và sẽ hình thành theo các hợp đồng, thỏa thuận về mua bán hàng hóa; Quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán đã, đang và sẽ hình thành, phát sinh từ (các) hợp đồng, thỏa thuận về việc bán hàng hóa là tài sản thế chấp (chi tiết tại Hợp đồng thế chấp).
Tháng 10/2022, tại chi nhánh Thường Tín ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, doanh nghiệp này dùng tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 141/2022/HĐ-XD ngày 26/09/2022 ký với ban QLDA ĐTXD huyện Phú Xuyên.
Ngày 28/12/2021, Công ty này có đăng ký giao dịch với tài sản bảo đảm là Quyền đòi nợ từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 2312/2021/HĐ-XD ngày 23/12/2021 với UBND xã Hà Hồi; và các Phụ lục đính kèm (nếu có).
Trước đó, vào ngày 03/12/2021, công ty Trung Sơn cũng ký kết tài sản đảm bảo là Quyền đòi nợ từ Hợp đồng thi công xây dựng số: 30/2021/HĐ-XL ngày 30/07/2021 và các Phụ lục Hợp đồng kèm theo (nếu có).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tượng gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia làm tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu vẫn chưa đạt yêu cầu và dẫn đến nhiều nghi ngại rằng có hiện tượng lách luật, vi phạm quy định về cạnh tranh, công bằng.
Liên quan đến vấn đề ty lệ tiết kiệm thấp trong các gói thầu, Luật sư Mai Quốc Việt, đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nhìn nhận: “Hiện tượng nhiều gói thầu tỷ lệ tiết kiệm thấp rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Nếu tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu thấp, hiệu quả kinh tế không cao do phát sinh từ việc vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì đây là hành động cần lên án và phải bị xử lý.
Bởi lẽ, với việc dùng các thủ thuật để hạn chế nhà thầu tham gia, bỏ giá thấp, có các hành động cạnh tranh không lành mạnh thì những nhà thầu có kinh nghiệm, kỹ năng bị loại bỏ, giảm động lực cạnh tranh, đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, xã hội. Ngoài ra, tạo ra cơ chế quan liêu, nhũng nhiễu từ một số bộ phận và gây thiệt hại cho cơ quan, chủ đầu tư”.
Còn theo ý kiến luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc Công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự): “Tỷ lệ tiết kiệm rất thấp thì rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu".
email: [email protected], hotline: 086 508 6899