Thế khó của nước nghèo trong cuộc đua mua thuốc kháng COVID-19

14/10/2021, 08:10

TCDN - Cuộc đua mua thuốc kháng COVID-19 dạng viên tạo ra một thách thức lớn đối với nỗ lực chặn đà lây lan của đại dịch của các nước nghèo.

Hãng dược Merck, nhà sản xuất dược phẩm Mỹ xác nhận Molnupiravir, loại thuốc kháng COVID-19 dạng viên, đã tiến vào vào giai đoạn thử nghiệm lần ba, theo một bản tin của CNBC hôm 1/10. Molnupiravir có khả năng giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở người lớn mắc nCoV-2 từ thể nhẹ đến trung bình. Thuốc viên kháng COVID-19 hoạt động bằng cách ức chế sự nhân lên của virus bên trong cơ thể.

Mặc dù vậy, báo cáo độc lập do Tổ chức Y tế Thế giới ủy quyền chỉ ra thuốc kháng COVID-19 dạng viên của hãng dược Merck đối diện với nguy cơ lặp lại vấn nạn của COVAX trong quá trình đàm phán hợp đồng và phân phát thuốc tới các quốc gia khác một cách công bằng.

Molnupiravir

Hồi tháng 6, Mỹ đã chi 1,2 tỷ USD để thu mua số lượng thuốc Molnupiravir tương ứng với 1,7 triệu lần điều trị. Trong tuần này, Australia, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc cũng đạt thỏa thuận với Merck để sở hữu Molnupiravir dù các cơ quan quản lý chưa phê duyệt loại dược phẩm này. Trong khi đó, Thái Lan và Đài Loan đang đàm phán với Merck để mua sản phẩm thuốc kháng COVID-19 dạng viên, theo Reuters.

Báo cáo của công ty tư vấn Dalberg Advisors - dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 100 quan chức chính phủ, công ty, nhóm y tế và những người khác - chỉ ra chương trình sản xuất thuốc kháng COVID-19 dạng viên “chưa có cơ cấu thương mại rõ ràng trong quá trình cung cấp thuốc cho các quốc gia khác hoặc đàm phán hợp đồng”.

Đồng thời, nỗ lực sản xuất thuốc viên kháng COVID-19 “có thể gặp những thách thức tương tự như COVAX trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine” tới các nước nghèo và thu nhập thấp. Báo cáo đồng thời nhấn mạnh việc Mỹ thu mua lượng lớn Molnupiravir là một rủi ro.

Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng định nếu các phương pháp điều trị như của hãng dược Merck sớm được phê duyệt, động thái "phân phối ưu tiên nhanh chóng” cần được thực hiện, đảm bảo không lặp lại những khó khăn tương tự như COVAX.

Nỗ lực phân phối vaccine của COVAX đã gặp vô số trở ngại khi các quốc gia giàu có dễ dàng tiếp nhận nhiều liều vaccine hơn ở các nước nghèo.

“Phần lớn người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chưa được tiêm chủng. Nếu đã được tiêm đầy đủ từ trước, có thể họ sẽ hưởng lợi rất nhiều từ phương pháp điều trị COVID-19 dạng thuốc này”, Rachel Cohen - lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Thuốc cho Người bệnh bị bỏ rơi - phát biểu.

Trước vấn nạn đó, Merck đã ký thỏa thuận cấp phép với các nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ nhằm đạt mục tiêu cung cấp thuốc cho hơn 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

“Chúng tôi hiểu những lo ngại như vậy. Do vậy, chúng tôi đã lên kế hoạch với các đối tác tự nguyện của mình nhằm đáp ứng nhu cầu và đem loại thuốc này đến tay những người cần nó trên toàn thế giới”, Paul Schaper - giám đốc chính sách công cộng về dược phẩm toàn cầu tại Merck - khẳng định.

Bloomberg dẫn lời Suerie Moon - đồng giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển tại Geneva (Thụy Sĩ) - cho hay: “Những quốc gia không thể tiếp cận vaccine đầy đủ sẽ cần phương pháp điều trị khẩn cấp hơn”.

Nhã Vy/Theo Bloomberg
Bạn đang đọc bài viết Thế khó của nước nghèo trong cuộc đua mua thuốc kháng COVID-19 tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan