Thế khó của Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực áp thuế các công ty dầu mỏ
TCDN - Tổng thống Joe Biden nói, ông sẽ tìm cách áp thêm thuế lên các công ty dầu mỏ đạt lợi nhuận khủng mà không tái đầu tư vào sản xuất.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Joe Biden thông báo ông sẽ tìm cách áp thuế cao hơn đối với các công ty dầu mỏ báo cáo lợi nhuận khổng lồ nhưng không tái đầu tư vào hoạt động sản xuất. Động thái của ông chủ Nhà Trắng diễn ra trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ vẫn còn cao và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ còn một tuần nữa là sẽ bắt đầu.
“Ngành công nghiệp dầu mỏ đã không hoàn thành lời cam kết đầu tư tại Mỹ và hỗ trợ người dân Mỹ. Các công ty không cho thấy họ đang tái đầu tư vào sản xuất sẽ “phải đóng thuế nhiều hơn do lợi nhuận cao bất thường, đồng thời sẽ phải đối mặt với các hạn chế khác. Tôi làm việc cùng Quốc hội để xem xét các lựa chọn”, Tổng thống Joe Biden tuyên bố.
Thực hiện lời đe doạ của đương kim Tổng thống Mỹ có vẻ là việc rất khó. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ đã thất bại trong nỗ lực áp thuế lợi nhuận cao bất thường (windfall profit tax) đối với các công ty dầu mỏ trong hơn một thập kỷ qua.
Khả năng Thượng viện hiện nay thông qua đề xuất như vậy rất thấp, ngay cả khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà đang nắm số ghế tương đương nhau.
Nếu Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden không đạt thành tích bất ngờ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, thì Đảng Cộng hoà và các nghị sĩ Đảng Dân chủ thuộc phái trung dung sẽ phủ quyết đề xuất của Nhà Trắng trong tương lai.
Dù vậy, ý tưởng áp thuế đối với lợi nhuận của các công ty năng lượng đã thu hút sự quan tâm của một số nghị sĩ cấp tiến trong Quốc hội sau khi giá xăng vọt lên hơn 5 USD/gallon vào mùa hè năm nay.
Ông Biden đã nhiều lần chỉ trích các ông lớn dầu mỏ vì giá xăng dầu bán lẻ tăng chóng mặt và doanh nghiệp trong ngành báo cáo lợi nhuận cao kỷ lục trong những tháng trước cuộc bầu cử.
Đề xuất áp thuế của ông Biden giống với các biện pháp mà giới chính trị gia trên khắp châu Âu và ở một số quốc gia khác như Ấn Độ đang áp dụng đối với các công ty thu lợi nhuận khổng lồ từ nhiên liệu hoá thạch và sản xuất điện.
Chính phủ các nước này chủ yếu sử dụng tiền thuế thu được để trợ cấp cho hoá đơn năng lượng của các hộ gia đình, theo Bloomberg.
Phe chỉ trích chính phủ cho rằng những đề xuất như vậy sẽ ngăn cản doanh nghiệp thực hiện các khoản đầu tư quan trọng nhằm tăng nguồn cung và hạ giá nhiên liệu trong tương lai.
Ông Chet Thompson, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu và hoá dầu Mỹ, bày tỏ: “Một lần nữa, ông Biden đang lo lắng về tình hình chính trị trước cuộc bầu cử hơn là quan tâm thúc đẩy các chính sách năng lượng thực sự mang lại lợi ích cho người dân”.
“Áp thuế lợi nhuận vượt mức nghe có vẻ hay ho, nhưng chính sách này sẽ có hại cho người tiêu dùng. Nó có thể khiến doanh nghiệp không còn muốn khai thác thêm nhiên liệu và làm cho vấn đề của người dân trở nên tồi tệ hơn”, ông Thompson nhấn mạnh.
Bloomberg nhắc lại rằng ông Biden đã kêu gọi các công ty đầu tư nhiều hơn để nâng cao sản lượng trong gần như cả năm nay.
Song, Exxon Mobil, Chevron, Shell và TotalEnergies hiện sắp sửa trao tay cổ đông gần 100 tỷ USD dưới dạng mua lại cổ phiếu và chi trả cổ tức. Trong khi đó, họ chỉ tái đầu tư khoảng 80 tỷ USD vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi trong năm nay.
5 công ty dầu mỏ lớn nhất của phương Tây đã kiếm hơn 60 tỷ USD trong quý II - đánh bại kỷ lục được thiết lập vào năm 2008 gần 50%, dữ liệu của Bloomberg chỉ ra.
Cuối tuần trước, Exxon thông báo họ thậm chí đã vượt qua kỷ lục kết quả kinh doanh quý II khi thu về 19 tỷ USD chỉ trong ba tháng.
Các nhà điều hành doanh nghiệp dầu mỏ cho rằng họ không có nhiều lựa chọn để hạ nhiệt giá nhiên liệu trong ngắn hạn. Các dự án lớn cần nhiều năm lập kế hoạch và triển khai, đồng thời cần mang về lợi nhuận hấp dẫn trong dài hạn để giữ chân cổ đông.
Mike Wirth, Tổng giám đốc của Chevron, cảnh báo việc áp thuế lợi nhuận hoặc cấm xuất khẩu năng lượng là rất “thiển cận”, vì hành động này sẽ ngăn cản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899