Thép Sông Hồng giải thể, công ty mẹ có nguy cơ mất trăm tỷ vốn góp

22/03/2022, 10:23
báo nói -

TCDN - Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng khả năng cao sẽ mất trắng 102 tỷ đồng do đầu tư góp vốn vào Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng - Đơn vị kinh doanh liên tục thua lỗ, thất bại trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (Sông Hồng, mã chứng khoán: SHG) - đang tiến hành các thủ tục giải thể. Điều này đồng nghĩa với việc Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 102 tỷ đồng vốn góp tại Thép Sông Hồng.

Đến cuối tháng 6/2021 trên BCTC bán niên đã soát sét SHG mẹ cho thấy, Tổng Công ty Sông Hồng có 7 khoản đầu tư vào công ty con, 13 khoản đầu tư vào các công ty liên kết và 7 khoản đầu tư vào các công ty khác. 11/17 đơn vị có tên trong danh sách thoái toàn bộ vốn theo Công văn số 3351/BXD-QLDN ngày 18/12/2014 vẫn còn trên báo cáo tài chính của Tổng Công ty Sông Hồng. Hơn nữa, trong khoảng 27 khoản đầu tư có giá trị đầu tư gốc gần 284 tỷ đồng, Tổng Công ty Sông Hồng phải trích lập dự phòng gần hết, với tổng giá trị trích lập gần 219 tỷ đồng.

Khu đất có vị trí đắc địa của Thép Sông Hồng ở Phú Thọ, trong khi đó, Tổng công ty Sông Hồng lại đang phải trích lập dự phòng mất vốn đầu tư. (Ảnh: Lao động)

Khu đất có vị trí đắc địa của Thép Sông Hồng ở Phú Thọ, trong khi đó, Tổng công ty Sông Hồng lại đang phải trích lập dự phòng mất vốn đầu tư. (Ảnh: Lao động)

Theo ý kiến của kiểm toán viên, Sông Hồng và các công ty con chưa có biên bản đối chiếu các khoản nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2021 với số tiền lần lượt là 118,4 tỷ đồng và 356,3 tỷ đồng. Đồng thời, tại thời điểm lập báo cáo tài chính, Sông Hồng chưa trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi.

Bên cạnh đó, do cách thức quản lý của các công ty con nên kiểm toán viên không thể tham gia soát xét hàng tồn kho tại ngày 30/6/2021 của các công ty con, với các thông tin đã được cung cấp và bằng các thủ tục thay thế đã thực hiện, kiểm toán vẫn không thể đánh giá tính hiện hữu, đầy đủ, giá trị cần dự phòng giảm giá của khoản mục hàng tồn kho với giá trị là 208,3 tỷ đồng.

Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy, Tổng công ty Sông Hồng đang phải trích lập dự phòng 82/84 tỷ đồng đã đầu tư vào 7 công ty con khác trong nhiều lĩnh vực, tương đương gần 98% giá trị đầu tư.

Các khoản trích lập dự phòng tỷ lệ 100 đối với các khoản đầu tư vào công ty liên kết gồm Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng (102 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sông Hồng 36 (9,8 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Sông Hồng (5,3 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sông Hồng Sài Gòn (5 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sông Hồng 8 (4 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Sông Hồng Bình Tây (1,7 tỷ đồng).

Đối với trường hợp của Thép Sông Hồng, Tổng Công ty Sông Hồng từng sở hữu tỷ lệ 85%. Đến năm 2015, Sông Hồng giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp xuống 32,9% và cũng đánh mất luôn quyền kiểm soát tài sản hơn 10 ha đất tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, những trường hợp như của Tổng công ty Sông Hồng sẽ phải xử lý dứt điểm.

Trong quyết định này nêu rõ, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Đề án nêu trong giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu nộp ngân sách nhà nước tối thiểu 248.000 tỷ đồng từ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đáng chú ý, không lâu trước khi đề án được đưa ra, sự kiện Tổng công ty Sông Hồng (SHG) có nguy cơ mất trắng hơn trăm tỷ đồng vốn góp tại Công ty CP Thép Sông Hồng - khi nhà sản xuất thép này bị tiến hành thủ tục giải thể, và bị yêu cầu mở thủ tục phá sản - cũng được xem là điển hình cho việc cần phải cơ cấu lại hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

PV
Bạn đang đọc bài viết Thép Sông Hồng giải thể, công ty mẹ có nguy cơ mất trăm tỷ vốn góp tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Công ty Thép Sông Hồng sẽ phá sản?
Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ vừa có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Thép Sông Hồng (Thép Sông Hồng) theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD).