Thoái vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về gần 2.200 tỷ đồng
TCDN - Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm có 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng.
Đánh giá về công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”; đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản về lĩnh vực cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, công tác cổ phần hóa, thoái vốn chậm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng.
Cụ thể, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 17 doanh nghiệp với giá trị là 128 tỷ đồng, thu về 687 tỷ đồng; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai với giá trị là 72 tỷ đồng, thu về 83 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thoái vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á với giá trị là 0,06 tỷ đồng, thu về 0,35 tỷ đồng.
Bộ Tài chính thừa nhận, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm so với kế hoạch đề ra. Việc triển khai bán cổ phần thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp không đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (đến nay, mới phát sinh thu 1,6 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương thu được 1,5/30 nghìn tỷ đồng dự toán).
Theo Bộ Tài chính, công tác cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp chậm, do một số vướng mắc trong việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của các địa phương đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, định giá tài sản. Trong triển khai ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 sau khi được ban hành, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899