Thứ trưởng Cao Anh Tuấn: Các giải pháp tài chính - ngân sách khá toàn diện, kịp thời

30/11/2023, 19:47
báo nói -

TCDN - Sáng ngày 30/11, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết: Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng và lương thực toàn cầu gặp nhiều thách thức.

Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường sản xuất - kinh doanh tiếp tục khó khăn do hệ lụy từ những tác động của dịch Covid-19, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn.

Trước bối cảnh trên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp điều chỉnh chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước linh hoạt, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô khác để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng khẳng định, “Các giải pháp chính sách tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian qua khá toàn diện, kịp thời, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,2%; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và ngày càng được củng cố, phát triển tích cực”.

Tuy nhiên, theo ông Cao Anh Tuấn, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra; nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp.

Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung. Xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng, đổi mới mô hình tăng trưởng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Empty

Phát biểu tại Phiên thảo luận “Chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”, ông Jochen Schmittmann - Trưởng Đại diện thường trú, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchiacho rằng, ưu đãi thuế chỉ là vấn đề thứ cấp trong thu hút đầu tư và thuế tối thiểu toàn cầu là sáng kiến quan trọng tránh “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài…

Ngoài ra, ông Jochen Schmittmann việc thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu còn giúp xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý, không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá. Hiện nay, nhiều quốc gia đang chuẩn bị triển khai thuế tối thiểu toàn cầu nhằm tạo sân chơi công bằng.

Theo ông Jochen Schmittmann, nếu triển khai chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư lớn, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào Việt Nam và các ưu đãi thuế không phải là lý do chính để thu hút FDI vào Việt Nam. Yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam chính là từ môi trường chính trị, sự chăm chỉ của người lao động tận tâm với công việc và trình độ lao động ngày càng cao…

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các quan ngại trong thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng; quy trình phê duyệt, xử lý tín dụng, cấp tín dụng, môi trường kinh doanh có vai trò hơn so với các ưu đãi thuế. Việt Nam nên dành một phần tiền thu từ thuế tối thiểu toàn cầu để đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp hệ thống điện.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian tới theo các định hướng đã được phê duyệt trong Chiến lược tài chính đến năm 2030. Diễn đàn không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 gồm phiên tổng thể và 02 phiên tham luận: Phiên 1: Chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Phiên 2: Chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Thứ trưởng Cao Anh Tuấn: Các giải pháp tài chính - ngân sách khá toàn diện, kịp thời tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nhiều chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 11/2022
Hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, 3 nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương CBCCVC Nhà nước quy định; hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2022.
Đổi mới chính sách tài chính thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển bền vững
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một bộ phận của thị trường tài chính, là nội dung quan trọng trong quản lý, điều hành chính sách tài chính quốc gia. Trong những năm gần đây, với việc không ngừng đổi mới chính sách tài chính, thị trường TPDN ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng.