Thừa Thiên - Huế nêu tên 400 doanh nghiệp nợ bảo hiểm người lao động

26/12/2023, 10:27
báo nói -

TCDN - Tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của hàng trăm doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế lên đến 151 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,03% so với kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao năm 2023.

BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa công bố danh sách 400 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 3 tháng trở lên.

Theo đó, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp lên đến 151 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,03% so với kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao năm 2023. Trong đó tổng số tiền chậm đóng phải tính lãi là 117 tỷ đồng, chiếm 3,13% so với kế hoạch thu BHXH Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp chậm đóng với số tiền lớn như Công ty TNHH MTV Takson Huế với hơn 9,6 tỷ đồng, số tháng nợ 19 tháng; Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thuận Thành hơn 6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế nợ 34 tháng với hơn 5,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng công trình 878 nợ 34 tháng với hơn 4 tỷ đồng; Công ty TNHH Quốc Thắng nợ 3,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Vận tải San Hiền nợ 2,2 tỷ đồng…

Có 400 doanh nghiệp tại Thừa Thiên - Huế nợ bảo hiểm người lao động lên đến 151 tỷ đồng.

Có 400 doanh nghiệp tại Thừa Thiên - Huế nợ bảo hiểm người lao động lên đến 151 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với số tiền lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Do đó để đốc thu, giảm nợ, thời gian tới BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tăng cường thanh tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp xử lý vi phạm, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm. Phối hợp với cơ quan Công an, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế để thanh tra liên ngành trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT.

Liên quan đến thực trạng các doanh nghiệp nợ bảo hiểm người lao động, BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 4331/BHXH-TTKT năm 2023 về việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong công tác quản lý thu, thanh tra chuyên ngành (TCTN) và xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, qua theo dõi vẫn còn một số trường hợp, một số địa phương chưa chú trọng chỉ đạo, thực hiện chưa nghiêm túc các công tác quản lý thu, thanh tra chuyên ngành (TTCN) và xử phạt vi phạm hành chính (VPHC). BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục t ổ chức thực hiện TTCN theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 21/2016/NĐ-CP, ưu tiên TTCN đóng BHXH, BHTN, BHYT các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Khi phát hiện hành vi VPHC về đối tượng, phương thức, mức đóng BHXH, BHTN, BHYT phải xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm, kịp thời lập biên bản VPHC, ra quyết định xử phạt VPHC hoặc chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt.  

Riêng việc xử phạt VPHC đối với hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN trong trường hợp trước thời điểm lập biên bản VPHC đơn vị sử dụng lao động đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền vi phạm, BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện, trong thời gian chờ văn bản trả lời, BHXH tỉnh thực hiện theo khung mức xử phạt tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi 2020), mức tối đa quy định tại điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi 2020) và khoản 1 Điều 6, khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt VPHC thì kịp thời ra quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức cưỡng chế thi hành theo thẩm quyền quy định tại Điều 86, Điều 87, Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi 2020). Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự thì kịp thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố theo quy định. 

Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ tháng 12, BHXH Việt Nam cho biết, hết tháng 11/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 13.135 tỷ đồng, chiếm 5,6% so với kế hoạch thu. Trong đó, nợ BHXH hơn 10.000 tỷ đồng (chiếm 77,16%), nợ BHTN hơn 572 tỷ đồng (chiếm 4,45%), riêng nợ BHYT hơn 2.428 tỷ đồng (chiếm 18,49%). Nguyên nhân khiến nợ đọng bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

Khuyến cáo từ ngành BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Đặc biệt là làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước.

Minh Anh
Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên - Huế nêu tên 400 doanh nghiệp nợ bảo hiểm người lao động tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan