Tổng cục Hải quan sẽ thanh lý 3.000 vỏ container "vô chủ"
TCDN - Tổng cục Hải quan cho biết, để giải tỏa "cơn khát" vỏ container, sắp tới cơ quan này có thể thanh lý hơn 3.000 container hàng đang bị lưu tại cảng quá hạn 90 ngày mà chủ hàng không đến nhận.
Theo đó, số hàng hóa trong container được thanh lý phải đảm bảo là hàng hóa thông thường, hàng nhập thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn, cần thực hiện qua các thủ tục pháp lý khác nhau mới đủ điều kiện lưu hành hoặc làm các nguyên liệu đầu vào sản xuất.
Hiện tại, nhiều container hàng vô chủ, hàng nhập khẩu diện thông thường và có loại hàng hóa thuộc diện nhập khẩu có điều kiện, cấm nhập khẩu, rác thải đang tồn đọng tại các cảng biển như TP.HCM và Hải Phòng, trong đó lớn nhất là Cảng Cát Lái - TP.HCM.
Những container hàng thuộc diện cấm nhập đều bị cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu phải tái xuất về nơi xuất khẩu. Còn những container chứa hàng thông thường, hàng nhập có điều kiện, hàng thông thường nhưng đã quá hạn 90 ngày mà chủ hàng trên vận đơn, hóa đơn không đến lấy, cơ quan Hải quan sẽ cùng với các cơ quan chức năng khác phối hợp để thanh lý hàng, giải phóng các container, kho và sung công toàn bộ số tiền thanh lý.
Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Giao thông và Vận tải cùng các cơ quan liên quan vào cuộc, xử lý nghiêm việc trục lợi khi nâng giá thuê container cao, khiến ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan hợp sức giải quyết vấn đề thiếu container để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước đó, năm 2019 - 2020, cơ quan Tổng cục Hải quan đã bác nhiều đơn xin giải phóng container là hàng phế liệu nhập khẩu nhưng không có giấy phép như săm lốp ô tô, thiết bị điện tử, các loại đồ điện tử, điện lạnh hay phế phẩm điện tử... thực chất là rác thải.
Cũng trong các năm 2019 - 2020, sau khi Trung Quốc siết chặt việc cấm nhập khẩu các loại phế liệu tái chế vào nước này, hiện tượng tàu hàng quốc tế, tàu liên vận vận chuyển container trả hàng, trong vận đơn đều ghi chủ hàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng liên hệ với doanh nghiệp đứng tên trên chủ hàng vận đơn, hầu hết doanh nghiệp đều phủ nhận giao dịch, phủ nhận thông tin hàng hóa. Thậm chí có trường hợp, chủ hàng đến cảng, mở niêm phong, kẹp chì container là hàng khác với đăng ký trên vận đơn, điều này gây khó khăn rất lớn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý hàng hóa, đối tượng.
Chính vì vậy, từ năm 2019 đến 2020, các cảng biển tại Hải Phòng và TP.HCM luôn có hàng nghìn chiếc container vô chủ nằm tại kho cảng, gây mất diện tích, ảnh hưởng đến quá trình vận hành và bảo dưỡng các loại container nói trên.
Hiện tượng khan hiếm container vào cao điểm cuối năm hoặc cuối tháng 9 mỗi năm luôn xảy ra bởi đây là cao điểm mùa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, năm 2020, hiện tượng này nhức nhối hơn bởi do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều đơn hàng bị "ách" lại mới bắt đầu được lưu thông để chạy kịp hợp đồng.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước về Việt Nam hạn chế do dịch bệnh, khiến các container quay vòng chậm hơn, khiến tình trạng thiếu vỏ container ngày càng nghiêm trọng, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu chi phí gấp 10 lần nhưng vẫn không có.
Việc đội giá thuê container cùng với tăng phí, cước của các hãng tàu đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là khi họ mới hồi phục sau đại dịch Covid-19.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899