Tp.HCM muốn thu thuế bất động sản thứ 2 để tránh tình trạng đầu cơ

04/12/2022, 13:30
báo nói -

TCDN - Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản.

UBND Tp.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Tp.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội).

Theo Tp.HCM, Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM sau 5 năm triển khai dù đạt được một số kết quả nhưng về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Chưa kể, nhiều lĩnh vực được phân cấp nhưng quy trình, thủ tục hành chính vẫn bị vướng mắc.

Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 được UBND Tp.HCM trình Chính phủ gồm 7 nhóm vấn đề: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội; Tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Tp.HCM; Cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính Tp. Thủ Đức.

thí điểm

Đặc biệt, Tp.HCM muốn được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân.

Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Tp.HCM cũng kiến nghị mở rộng giới hạn các khoản vay của địa phương so với với số thu ngân sách địa phương được hưởng theo Nghị quyết 54/2017 từ 90% lên mức 120%; giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 21% đến năm 2025; hoàn thiện mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Tp.HCM xin được thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ” khi giải phóng mặt bằng, bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất. Cơ chế này có thể thí điểm tại Tp.HCM để tổng kết thực tiễn trước khi áp dụng rộng rãi.

Tp.HCM cũng mong muốn được phân cấp quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch hiện nay đang gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật đất đai cùng các văn bản dưới luật khác nhau.

Ngoài ra, Tp.HCM cũng muốn được phân cấp hoàn toàn trong việc xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất, được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỷ lệ khi giải phóng mặt bằng trên cơ sở bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất.

Đối với Tp.Thủ Đức, UBND Tp.HCM kiến nghị 4 nội dung gồm: cho phép HĐND Tp.HCM và UBND Tp.HCM phân cấp cho chính quyền Tp.Thủ Đức một số lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc chức năng của HĐND và UBND Tp.HCM; chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở, ngành cho UBND Tp.Thủ Đức; quy định chế độ phụ cấp chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo của Tp.Thủ Đức cao hơn thành phố thuộc tỉnh nhưng thấp hơn cấp tỉnh; ưu tiên phân bổ ngân sách cho Tp.Thủ Đức để chi đầu tư phát triển…

Ngọc Linh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM muốn thu thuế bất động sản thứ 2 để tránh tình trạng đầu cơ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bất động sản khốn đốn, Vinaconex “khốn khổ”
Thị trường bất động sản suy thoái khiến “ván cược” vào bất động sản của công ty chuyên về xây dựng Vinaconex trở nên gay go hơn, do doanh nghiệp này rót hàng nghìn tỷ đồng vào mảng bất động sản bằng vốn đi vay.