Tp.HCM "siết" tín dụng cho đầu cơ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng

27/04/2022, 10:57

TCDN - Đó là nội dung trong Văn bản số 437 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM gửi đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhằm triển khai ý kiến của Thủ tướng về phát triển thị trường bất động sản thành phố ổn định, lành mạnh.

Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài.

Đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân. Hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.

Hiện tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 2 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực này cũng dần hạ nhiệt, từ mức trên 26% năm 2018, giảm còn 12% năm 2021.

Trước tình trạng dòng vốn cho thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này từ kênh tín dụng và trái phiếu.

Bên cạnh đó, các nhà băng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Văn Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM "siết" tín dụng cho đầu cơ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ muốn cơ cấu lại ngân sách nhà nước và hệ thống tín dụng
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra nhiệm vụ tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.
Yêu cầu kiểm soát chặt các khoản cấp tín dụng cho lĩnh vực rủi ro
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ.