TS. Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp vẫn đang trong mùa Đông khó khăn

14/12/2022, 23:10
báo nói -

TCDN - Theo TS. Vũ Tiến Lộc, năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế, có thể thấy 6 tháng cuối năm, màu xám nhiều hơn, nhưng nhìn chung tổng thể những con số vĩ mô đang trong mùa Hè, còn doanh nghiệp đang trong mùa Đông khó khăn.

Với mục tiêu đưa ra các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023” được tổ chức sáng nay (14/12) đã nhận được nhiều kiến nghị của các chuyên gia. 

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế. Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn.

“Bộ Xây dựng nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện” – Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chia sẻ.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng còn một số vấn đề bất cập, như một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình, dự án còn chậm; nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định, thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Tổng quan về bức tranh kinh tế Việt Nam cuối năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước; phục hồi kinh tế trên nhiều mặt đã đạt được kết quả tích cực. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%. Đạt những kết quả khả quan này có nhiều yếu tố, trong đó, các yếu tố chính là: Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường; kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, năm 2023, Quốc hội, Chính phủ xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Định hướng giải pháp chủ yếu được dự kiến gồm: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng; tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; chú trọng phát triển nguồn nhân lực...

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Nhìn từ góc độ “sức khỏe” của doanh nghiệp, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 là một số những gợi ý với cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế, có thể thấy 6 tháng cuối năm, màu xám nhiều hơn, nhưng nhìn chung tổng thể những con số vĩ mô đang trong mùa Hè, còn doanh nghiệp đang trong mùa Đông khó khăn. Trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

Nhìn chung kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương và lĩnh vực.

11 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng khá, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ xác định tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4,5%.

Mức tăng trưởng cao năm 2022 góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch góp phần tạo dư địa mở rộng chính sách tài khóa, tiền tệ.

Theo các chuyên gia, cần duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi này, để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; hồ sơ giải ngân, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022. Các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế.

Bên cạnh những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam 2022, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có một số dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện vào cuối năm 2022 và có thể tiếp diễn trong năm 2023. Đó là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED...

An Tú
Bạn đang đọc bài viết TS. Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp vẫn đang trong mùa Đông khó khăn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thu ngân sách nhà nước không nên dựa vào các nguồn thu kém bền vững
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, Việt Nam hiện nay cần đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công; ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế; thu ngân sách nhà nước cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí - lệ phí mới.
Phân tích vai trò của các định chế tài chính quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn trong hội nhập với việc thực hiện 17 Hiệp định thương mại tư do (FTA) đa phương và song phương. Trong điều kiện đó, các định chế tài chính quốc tế, nhất là các ngân hàng nước ngoài đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chu chuyển vốn vào nền kinh tế.