Ứng dụng kinh tế nền tảng: Từ làm thuê, gia công sang sáng tạo

21/03/2020, 15:02

TCDN - Chất xám tốt; nguồn nhân lực khoa học công nghệ dồi dào; có thế mạnh riêng; doanh nghiệp muốn làm, dám làm… là những yếu tố và cơ hội để Việt Nam có thể xây dựng các nền tảng số riêng, đặc thù.

Nhưng nếu không dịch chuyển từ làm thuê, gia công sang lĩnh vực sáng tạo hơn thì 15 - 20 năm nữa, Việt Nam vẫn chỉ là kẻ đi theo sau, khả năng tự chủ sẽ ngày càng giảm.

5-1

Không còn là mô hình kinh doanh đặc quyền

Theo khung đánh giá Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các trụ cột quyết định khả năng cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số bao gồm: (i) hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, (ii) thị trường, (iii) nguồn nhân lực, (iv) tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Các trụ cột này càng được quan tâm phát triển, khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế càng được cải thiện. Điểm dễ nhận thấy là nền tảng số có vai trò rất quan trọng để phát triển các trụ cột này.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ, ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Các nền tảng lớn có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng con như một hệ sinh thái. Facebook, Google, Amazon, Alibaba,… là những nền tảng toàn cầu đã tạo ra những nền tảng nhỏ hơn phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một hệ sinh thái chung là những ví dụ điển hình. Trung Quốc đã phát huy sức mạnh của cuộc cách mạng nền tảng số để giúp nền kinh tế nước này trở nên cạnh tranh hơn và đuổi bắt ngày càng nhanh với những nền kinh tế phát triển.

Cụ thể, các nhà cung cấp Trung Quốc đã sử dụng các hệ sinh thái để phát triển dịch vụ thanh toán di động sáng tạo. Một ví dụ điển hình là Alibaba, công ty này đang tận dụng khôn ngoan một sức mạnh cạnh tranh rất to lớn khác của các nền tảng đó là khả năng kết hợp chặt chẽ các nguồn lực và các kết nối của những đối tác bên ngoài để trở thành những năng lực của chính nền tảng.

Năm 2014, để mở rộng khả năng cung cấp hàng hóa từ Mỹ cho người tiêu dùng Trung Quốc, Alibaba đã thiết lập mối quan hệ đối tác với ShopRunner, một công ty dịch vụ hậu cần (logistics) của Mỹ, bằng cách mua lại cổ phần của công ty này. ShopRunner đã có sẵn những thỏa thuận với các thương hiệu Mỹ. Điều này cho phép Alibaba giao những sản phẩm từ Mỹ đến khách hàng ở Trung Quốc chỉ trong hai ngày.

Trên đà chiến lược này, hiện nay Aliaba đang sở hữu một hệ sinh thái với 9 nền tảng con trong đủ lĩnh vực như với đủ lĩnh vực (AutoNavi cung cấp bản đồ, Taobao với mua sắm trực tuyến, Alipay ứng dụng thanh toán,…).

Các chuyên gia VEPR cho rằng, các chính phủ cũng có thể trở thành một nền tảng để tạo ra một thể chế thuận lợi và ưu việt hơn. Một ví dụ hàng đầu là chính sách “dữ liệu mở” của thành phố San Francisco khởi xướng từ năm 2009. Văn phòng Thị trưởng về đổi mới công dân, được thiết kế để xúc tiến việc chia sẻ dữ liệu thành phố thông qua một cổng truy cập mở (DataS), tạo ra quan hệ hợp tác công tư để tạo điều kiện cho sự phát triển của công cụ mà dân và doanh nghiệp có thể sử dụng.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, hệ sinh thái nền tảng số ngày càng phát triển mạnh. Vô số các hoạt động từ học tập, giải trí, hội họp, giao tiếp đến kinh doanh, mua bán tiêu dùng, vận tải, truyền thông, các dịch vụ tài chính… đều có thể thực hiện nhờ các nền tảng số. Rõ ràng, việc ứng dụng các nền tảng số không chỉ giúp mỗi cá nhân cảm thấy thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng hơn trong giải quyết hoặc đáp ứng các nhu cầu cá nhân của mình, mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Nhìn rộng hơn, cả nền kinh tế được hưởng lợi khi sức cạnh tranh chung được nâng lên.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế số, mối lo lệ thuộc cũng ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh các thách thức về an ninh bảo mật, quyền riêng tư, tin xấu, tin giả hay rủi ro bị tấn công mạng, mất cắp dữ liệu… cũng luôn thường trực.

Thực tế, nhiều trong hệ sinh thái nền tảng số hiện nay tại Việt Nam là các nền tảng được phát triển từ nước ngoài, sẵn có và thường dễ dàng ứng dụng, sử dụng, email, mật khẩu, dữ liệu, hoạt động kinh doanh… của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng luôn có thể bị tấn công, mất cắp bất cứ lúc nào. Điều này đòi hỏi Việt Nam - bên cạnh việc tiếp tục tận dụng, ứng dụng các nền tảng số từ bên ngoài, cần xây dựng những nền tảng số riêng có để nâng cao năng năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững.

Dịch vụ đặc thù cho đất nước nên có nền tảng riêng

Theo ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị UPGen Việt Nam, các nền tảng số từ bên ngoài vào đã giúp rất nhiều cho việc hội nhập của Việt Nam. Nhưng nếu không xây dựng những nền tảng riêng, mãi mãi sẽ chỉ là người đi sau theo sử dụng, khả năng tự chủ theo đó sẽ giảm xuống. Vì vậy những gì thuộc về đặc điểm của thị trường trong nước mà chúng ta có thế mạnh, hay như những nền tảng quan trọng của một quốc gia như vấn đề thanh toán thì không nên phụ thuộc vào người khác mà nên có các nền tảng riêng.

Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một sân chơi công bằng. Một sân chơi công bằng không có nghĩa tất tần tật mọi thứ giống nhau. Khi một doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng bỏ vào thị trường một vài tỷ USD thì doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh bằng vốn, thay vào đó phải sử dụng nhiều yếu tố khác như sự sáng tạo, các yếu tố mang bản sắc riêng. Theo đó, Nhà nước cần tạo cơ chế, khung pháp lý để doanh nghiệp dựa vào đó cạnh tranh bằng việc tạo ra giá trị tương lai thay vì dùng vốn của hiện tại để cạnh tranh.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải - nguyên CEO Be Group, Đồng Sáng lập VNG Corporation cho rằng, những dịch vụ đặc thù cho đất nước nên có nền tảng riêng. Ví dụ, tại sao phải xây nhà máy lọc dầu để sản xuất xăng bán thay vì bán dầu mỏ thô? Gmail, Facebook có thể cung cấp dịch vụ miễn phí, cái họ có được là dữ liệu hành vi của tất cả mọi người, đây là tài nguyên. Nếu cứ tiếp tục sử dụng các nền tảng đó, chúng ta sẽ không còn gì ngoài việc sử dụng dịch vụ. Hay như trong lĩnh vực quảng cáo online, hiện các nền tảng Việt Nam chỉ chiếm dưới 20% doanh thu quảng cáo ở Việt Nam. Ngay bản khi vận hành Be, tôi luôn nói trong suốt 2 năm qua: Tài xế là người Việt, xe là của người Việt, đường sá đi lại là đất Việt, xăng đổ là của người Việt, tiền trả bằng VNĐ… vậy tại sao chúng ta lại bị phụ thuộc vào nước ngoài.

Nếu không dịch chuyển từ việc đi làm thuê, gia công sang lĩnh vực sáng tạo hơn thì 15-20 năm nữa Việt Nam vẫn chỉ là đi làm thuê. Hiện tại là thời điểm tốt để Việt Nam có thể xây dựng nền tảng số cho nền kinh tế. Chất xám tốt; nguồn nhân lực khoa học công nghệ dồi dào; có thế mạnh riêng; và nhiều doanh nghiệp muốn làm, dám làm… là những yếu tố và cơ hội để Việt Nam có thể xây dựng các nền tảng số.

Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp đã mạnh dạn làm, nhưng vẫn còn một số chính sách khiến các doanh nghiệp trong nước muốn cạnh tranh nhưng khó khăn. Nội lực sẽ đến từ sự sáng tạo, từ quyết định của mỗi doanh nghiệp nhưng cũng cần vai trò quản lý Nhà nước với các chính sách đúng đắn. Đây là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp phát huy được thế mạnh, mạnh dạn đầu tư.

Thi Thi

Tạp chí in số tháng 3/2020
Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng kinh tế nền tảng: Từ làm thuê, gia công sang sáng tạo tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Khởi sự kinh doanh: Tăng chi phí, giảm động lực
Môi trường thể chế tốt sẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, có tính lan tỏa và gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản, quy định bất hợp lý và gây ảnh hưởng đến quá trình gia nhập thị trường. Trong đó, doanh nghiệp phải chịu một số chi phí với mức độ tăng thêm.