Vì sao PVN phải báo cáo về Nguyễn Vũ Trường Sơn?

16/03/2021, 15:48

TCDN - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo về công tác cán bộ liên quan đến ông Nguyễn Vũ Trường Sơn.

Sau khi nhận được văn bản của PVN, ban cán sự đảng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã họp cho ý kiến về đề xuất bổ nhiệm lại/kéo dài thời gian giữ chức vụ thành viên hội đồng thành viên PVN với ông Nguyễn Vũ Trường Sơn (trước đó từng là Tổng giám đốc PVN).

Đáng lưu ý, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị hội đồng thành viên PVN cần rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện theo nghị định 159/2020 của Chính phủ. Ủy ban nhấn mạnh cần đặc biệt lưu ý rà soát làm rõ và chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện tại khoản 5, điều 36, nghị định 159/2020.

Trong khi đó, điều khoản trên quy định điều kiện để được bổ nhiệm lại phải không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thì cấp có thẩm quyền trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại trước khi quyết định.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu hội đồng thành viên PVN báo cáo lại ủy ban trước ngày 16/3.

Vì sao PVN phải báo cáo về Nguyễn Vũ Trường Sơn? (Ảnh: PVN)

Vì sao PVN phải báo cáo về Nguyễn Vũ Trường Sơn? (Ảnh: PVN)

Trước đó, hồi tháng 3/2019 Nông nghiệp cho biết, liên quan đến PVN, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) hiện đã điều tra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN nộp đơn xin từ chức. Ông Sơn chính là người giữ chức Tổng giám đốc PVEP dưới thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch PVN. Đây cũng là giai đoạn PVEP được PVN giao cho triển khai hàng chục dự án góp vốn, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài, trong đó có nhiều dự án thua lỗ, có nguy cơ mất vốn...

Dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN mà C03 đang điều tra có tổng mức đầu tư lên tới 12,4 tỷ USD. Khi xin Chính phủ chủ trương đầu tư, PVN đã bỏ ngoài tai các cảnh báo của một số bộ ngành như KHĐT, Tài chính về hàng loạt rủi ro có thể gặp phải như: lạm phát, chênh lệch tỷ giá…

Đặc biệt, để triển khai dự án, PVN  chấp nhận thanh toán tổng cộng 584 triệu USD "phí tham gia hợp đồng (bonus)" cho phía Venezuela.

Cụ thể, ngày 12/5/2011, khi liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela nhưng PVN vẫn phải chuyển 300 triệu USD tiền mặt sang nộp cho đối tác. Một năm sau, ngày 12/5/2012, PVN lại phải nộp 142 triệu USD khác (đợt 2). Một năm sau nữa, ngày 12/5/2013, PVN phải tiếp tục nộp cho Venezuela 142 triệu USD (đợt 3).

Ngoài ra, năm 2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện bản cam kết này vì nếu có góp thêm 142 triệu USD cũng chưa chắc thu được thùng dầu nào, chấp nhận mất 442 triệu USD tiền "phí tham gia", 90 triệu USD tiền góp vốn và các chi phí lớn khác…

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, PVEP đầu tư góp vốn vào liên doanh dự án Junin 2 đã thực hiện không đúng theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KH-ĐT cấp. Đến cuối năm 2017, tổng công ty đầu tư góp vốn liên doanh này nhiều khả năng rủi ro không thu hồi được số tiền 635 triệu USD (chưa tính phí tham gia đợt 3 là 142 triệu USD và các chi phí phát sinh của liên doanh từ khi có quyết định tạm dừng dự án)...

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn (SN 1962, quê quán: Quảng Trị) có trình độ Thạc sỹ Công nghệ Hệ thống - Đại học Kỹ thuật Hoàng Gia Melbourne (RMIT)- Úc,

Sau khi tốt nghiệp Đại học Hóa dầu Bacu (Liên Xô), năm 1987 ông Sơn về công tác tại Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro), trải qua nhiều vị trí khác nhau như đốc công khai thác, đội phó khai thác, phó phòng kỹ thuật sản xuất, trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất bộ máy điều hành.

Tháng 4/2009, ông Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Tháng 7 cùng năm, ông Sơn làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Tháng 2/2012 đến tháng 3/2016, ông là Phó Tổng Giám đốc PVN.

Từ tháng 3/2016, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tháng 3/2019, ông Sơn làm đơn từ chức. Đến tháng 4/2019, HĐTV PVN đã chấp thuận để ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - thôi giữ chức Tổng giám đốc. Và theo thông tin từ Tập đoàn PVN, ông Sơn chính thức thôi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc vào tháng 6/2019, song ông vẫn đảm nhiệm vị trí thành viên HĐTV PVN.

Trúc Nhi (T/H)
Bạn đang đọc bài viết Vì sao PVN phải báo cáo về Nguyễn Vũ Trường Sơn? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

PVN đạt doanh thu 564 nghìn tỷ đồng trong năm 2020
Năm 2020, sản lượng khai thác dầu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đạt 11,47 triệu tấn (vượt 8% kế hoạch năm), sản xuất đạm đạt 1,80 triệu tấn (vượt 15% kế hoạch), sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 11,88 triệu tấn và hoàn thành kế hoạch năm.
Nợ khó đòi của PVN lên tới hơn 7.500 tỷ đồng
Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ,TCT), có nợ phải thu khó đòi là 18.251 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, đứng đầu danh sách là TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN) với 7.643 tỷ đồng nợ khó đòi.