Quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử:

Bổ sung quy định đối với nhà cung cấp trong nước

16/03/2021, 11:13

TCDN - Đây là kiến nghị của các Cục thuế địa phương tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/ 2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP do Tổng cục Thuế tổ chức sáng 16/3.

20210316_090507

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/ 2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã có 1 chương riêng (chương 9) quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo góp ý của một số Cục thuế địa phương, cần bổ sung đối tượng là nhà cung cấp trong nước vào nội dung Chương này.

Theo đại diện Cục Thuế Bình Định, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số gồm nhiều dạng và nhiều trường hợp, có thể có sản phẩm cụ thể, có thể không. Theo đó, đối với các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử có sản phẩm cụ thể như uber, lazada… có thể quản lý triển khai các hoạt động quản lý thuế.

Điều 89, dự thảo Thông tư quy định, số thuế được tính nộp trên cơ sở doanh thu của nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được phát sinh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thuế (Khoản 2 Điều 12 và Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC) đối với từng sản phẩm, dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Trong khi, khoản 2 Điều 12 Thông tư số 103/2014/TT-BTC chỉ quy định về thuế GTGT và thuế TNDN. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số còn có những tổ chức, cá nhân. Vì vậy, cần điều chỉnh Thông tư số 103/2014/TT-BTC để có thể quản lý thuế TNCN, đảm bảo quản lý thuế chặt chẽ, đúng thông lệ.

Thêm nữa, khoản 2 Điều 12 Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định về thuế GTGT là 2%, có thể điều chỉnh nhưng khoản 2 Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định cụ thể tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với ngành kinh doanh nên có một số sản phẩm kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số không thể áp dụng. Vấn đề đặt ra là phải điều chỉnh Thông tư số 103/2014/TT-BTC cho phù hợp.

Đại diện Cục thuế Khánh Hòa cho rằng, việc đưa nội dung quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số vào Luật Quản lý thuế là thành công lớn của cơ quan thuế. Nhưng dự thảo Thông tư chỉ quy định các nội dung liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Quản lý thuế đối với nhà cung cấp trong nước chưa được đề cập, cần bổ sung tại Thông tư này, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên. Cụ thể là trách nhiệm của nhà cung cấp phải khác hơn so với các đơn vị lưu trú, cơ sở sản xuất kinh doanh bình thường; các đơn vị vận chuyển, đơn vị thanh toán, trọng tâm là các ngân hàng; các cơ quan khác có liên quan.

Mặt khác, quy định nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế GTGT qua khâu nhập khẩu cần tách ra 02 trường hợp. Thứ nhất nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam. Thứ hai, nhà cung cấp nước ngoài nhưng sử dụng hàng hóa ở trong nước để cung cấp cho người trong nước. Vì vậy, cách kê khai, tính thuế cần có sự phân biệt rõ ràng.

Đồng quan điểm, đại diện Cục thuế Đà Nẵng kiến nghị bổ sung quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số nói chung, trong đó bao gồm cả nhà cung cấp trong nước.

Kết cấu của chương 9 dự thảo cần phân tách thành 3 phần: Thứ nhất, quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu tại Việt Nam. Thứ hai, quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam có doanh thu, thu nhập từ nước ngoài. Thứ ba, quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam có doanh thu, thu nhập tại Việt Nam.

Thực tế, một số nhà cung cấp nước ngoài không thể hiện thu nhập tại Việt Nam mặc dù có. Cụ thể như thông qua hoạt động đặt phòng khách sạn, tour du lịch tại Việt Nam, nhà cung cấp nước ngoài mua và bán lại cho khách nước ngoài, họ chỉ thanh toán giá phòng, giá tour cho các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam, phía Việt Nam không xác định được thu nhập của họ là bao nhiêu để quản lý thuế.

Tiếp thu ý kiến của các Cục thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, việc gộp tất cả các hoạt động quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số vào chương 9 của dự thảo Thông tư phải thực hiện theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Đối với nhà cung cấp trong nước là tổ chức thì thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật như đối với các đơn vị kinh doanh bình thường. Đối với với hộ, cá nhân kinh doanh sẽ có Thông tư hướng dẫn riêng. Trong thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Cục thuế về vấn đề này.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Bổ sung quy định đối với nhà cung cấp trong nước tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Quản lý thuế trên địa bàn thành phố Thủ Đức sẽ như thế nào?
Trước mắt, giữ nguyên hoạt động và tổ chức bộ máy của 3 Chi cục Thuế quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên địa bàn TP Thủ Đức thuộc Cục Thuế Tp.HCM để thực hiện nhiệm vụ quản lý thu thuế trên địa bàn các Phường thuộc TP Thủ Đức trực thuộc Tp.HCM.
Bộ Tài chính đề xuất thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn
Tại dự thảo Quyết định sửa đổi của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thay cho Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn hiện nay.