"Việt Nam cần phát huy vai trò là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp"
TCDN - Việt Nam vừa trải qua giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn thị trường vốn toàn cầu nói chung và thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phát biểu tại Toạ đàm “Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” ngày 29/6, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nửa năm 2022 đã đi qua với những dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam, và cả những biến động trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng GDP tích cực, ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, môi trường kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.
“Riêng với thị trường chứng khoán, sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện trên thị trường đã bộc lộ. Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả”, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Đồng thời cho biết, thực tế các vụ việc vừa qua cho thấy, một số tổ chức, cá nhân có những vi phạm, pháp luật như bắt tay nhau thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián không công bố, tác động đến giá chứng khoán để trục lợi… Việc cơ quan chức năng vào cuộc không chỉ để xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định, mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với những hành động và dòng tiền có mục đích tương tự.
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.
“Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn thị trường vốn toàn cầu nói chung và thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Nói về cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, về tình hình thế giới, bức tranh phục hồi năm 2021 rất tốt, tuy nhiên năm nay đã khó khăn hơn nhiều và tiếp tục không đồng đều.
Trong khi đó, Việt Nam có vẻ như đã lỡ nhịp trong năm ngoái khi tăng trưởng của thế giới ở mức 5,7%, còn Việt Nam lại ở mức thấp nhất chỉ đạt 2,58%. Tuy nhiên năm nay, kỳ vọng Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn so với các nước trong khu vực. Riêng về lạm phát thời gian gần đây, chủ yếu là do giá cả và đứt gãy chuỗi cung ứng, kết hợp với tình hình chiến sự khiến cho giá cả nhất là xăng dầu tăng mạnh.
Theo dự báo mới đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), giá xăng dầu tăng bình quân khoảng 55%, thấp hơn một chút so với mức tăng của năm ngoái là 67%, kéo theo giá cả hàng hóa khác cũng tăng ở mức tương đối. Do đó, các nước đã phải đưa ra một loạt chính sách thay đổi, nhất là tăng lãi suất ở nhiều nước khác nhau.
Như vậy, thế giới có thuận lợi là kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và đã phục hồi, nhưng vẫn còn 5 thách thức lớn bao gồm:
Một là, đại dịch vẫn còn phức tạp trong bối cảnh những biến thể mới tiếp tục xuất hiện và Trung còn theo đuổi chiến lược Zero COVID;
Hai là, vấn đề địa chính trị có nhiều biến động;
Ba là, Trung Quốc năm nay đang tăng trưởng chậm lại, dự báo 4-4,5%, tác động rất lớn đến lực cầu, thương mại, đầu tư, tiêu dùng và cả du lịch trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng;
Bốn là, các nước đang trong lộ trình tăng lãi suất rất rõ nét trong những tháng vừa qua và tiếp tục trong thời gian tới;
Năm là, lợi nhuận biên của doanh nghiệp đang bị thu hẹp, bởi chi phí đầu vào tăng nhanh trong khi giá đầu ra tăng không tương ứng”, TS. Cấn Văn Lực nêu.
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán cho biết, năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp và không thuận lợi như năm 2021, một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán.
Cụ thể, theo bà Bình, sau khi chứng kiến mức tăng vào đầu năm 2022, TTCK Việt Nam đã có mức giảm điểm tương đối mạnh. Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân sang tháng 5, thanh khoản chỉ đạt bình quân 17.773 tỷ đồng/phiên, giảm 32% so với tháng 4 và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Mặc dù diễn biến giảm điểm đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại khi tham gia thị trường, song bà Bình cho biết, vẫn có một số điểm sáng trên thị trường như nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại trong những tháng gần đây.
Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.193 tỷ đồng cổ phiếu. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời điểm hiện tại.
Theo bà Bình, các dự báo phát triển của TTCK Việt Nam sẽ phụ thuộc khá nhiều vào TTCK toàn cầu.
Với bối cảnh hiện nay, diễn biến của TTCK trong nửa cuối năm 2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, về vấn đề điều hành thị trường trong thời gian tới, trong bối cảnh thị trường có những biến động mạnh, UBCK Nhà nước sẽ có những thay đổi chính sách, trong đó chú trọng nâng cao các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường, đặc biệt là siết chặt công tác giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK.
Bà Bình cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thanh tra giám sát thị trường chứng khoán. Tăng cường rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK như thao túng chứng khoán, công bố thông tin không đúng sự thật, các hành vi tái phạm, cố tình vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin nhằm đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.
Về dài hạn, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo TTCK phát triển bền vững, hướng tới việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899