Việt Nam thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc

20/01/2021, 15:26

TCDN - Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung Quốc, cũng như những xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch COVID-19.

Ngày 20/1, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”.

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực do đại dịch COVID-19. Trong đó, những cụm từ như “gián đoạn” hay “đứt gãy” chuỗi cung ứng được nhắc đến thường xuyên, và thực tế đã có những thời điểm gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Đặt trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định xuất khẩu vẫn là một cấu phần quan trọng trong “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Việt Nam đã có những kết quả quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), và mới nhất là ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020”, bà Minh nói.

dich-chuyen-fdi

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp cho hay, báo cáo nêu rõ ngoài các nội dung tương đối truyền thống như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, SPS và TBT, RCEP còn đưa vào một số nội dung mới hơn như thương mại điện tử, cạnh tranh,… Khác với CPTPP và EVFTA, RCEP không có các Chương như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước,…

Đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, RCEP có thể mang lại một số cơ hội và cả thách thức. Bao phủ vùng lãnh thổ với 30% dân số toàn cầu, hiệp định RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Các nghiên cứu định lượng thực hiện cho đến nay đều cho thấy RCEP có tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại.

Đánh giá về đầu tư nước ngoài, ông Dương cho hay, RCEP cũng có cả cơ hội và thách thức đan xen nhau. Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung Quốc, cũng như những xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên báo cáo đặt ra thách thức cũng không nhỏ, bởi: nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, sàng lọc chất lượng của dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi; việc kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là một vấn đề phức tạp; và khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam.

“Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, song vẫn có thể xử lý được. Dù vậy, xử lý thách thức về thể chế phụ thuộc vào mức độ toàn diện trong cách tiếp cận của Việt Nam, và khó có thể hiệu quả nếu nhìn nhận vấn đề thương mại và đầu tư nước ngoài một cách rời rạc khi thực hiện RCEP”, ông Nguyễn Anh Dương nhận định.

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP, yếu tố cải cách càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, hài hòa hóa quá trình cải cách thể chế khi thực hiện các FTA như CPTPP và EVFTA có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, do CPTPP và EVFTA có tiêu chuẩn cao hơn và đã đi vào thực hiện, quá trình cải cách ở các lĩnh vực liên quan cần hướng tới các tiêu chuẩn trong Hiệp định này một cách nghiêm túc, thay vì “chờ đợi” đến khi có RCEP.

Bên cạnh đó, việc tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP cũng đòi hỏi nỗ lực cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Theo đó, các nước ASEAN phải gia tăng hợp tác hiệu quả, thay vì cạnh tranh với nhau theo hướng “đua xuống đáy”. Các lĩnh vực cần lưu tâm chính là những lĩnh vực cải cách liên quan đến thương mại và đầu tư như môi trường đầu tư, kết nối trong chuỗi giá trị,…

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Doanh nghiệp FDI đứng đầu ngành thép lỗ hơn 10 nghìn tỷ
Theo Bộ Tài chính, Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào NSNN rất hạn chế, chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế,...) dành cho những DN lớn.
Điểm danh những dự án FDI lớn nhất năm 2020
Năm 2020, có 2.523 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 14,65 tỷ USD. Trong đó có 5 dự án FDI lớn nhất, chiếm tới 42% tổng vốn đăng ký.