Xu hướng tác động của kế toán quản trị môi trường

26/03/2024, 22:15
báo nói -

TCDN - Hiện nay, thông tin về môi trường ngày càng được quan tâm bởi các bên liên quan và tạo nên áp lực đối với các doanh nghiệp về thực hiện kế toán quản trị môi trường.

3-1

TÓM TẮT: 

Hiện nay, thông tin về môi trường ngày càng được quan tâm bởi các bên liên quan và tạo nên áp lực đối với các doanh nghiệp về thực hiện kế toán quản trị môi trường. Kế toán quản trị môi trường có thể hiểu là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường. Bài viết đề cập tới xu hướng tác động của kế toán quản trị môi trường tới hiệu quả môi trường và hiệu quả tài chính đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

1. Nội dung của kế toán quản trị môi trường

KTQTMT có thể được tiếp cận từ hai hướng:

Thứ nhất, KTQTMT gồm kế toán quản trị môi trường tiền tệ (Monetary Environmental Management Accounting - MEMA) và kế toán quản trị môi trường vật chất (Physical Environmental Management Accounting - PEMA). MEMA có chức năng hạch toán thông tin môi trường tiền tệ như các chi phí về nguyên vật liệu, năng lượng, nước... mà DN đã sử dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và các tài nguyên môi trường này được định giá bằng tiền. Lúc này, các thông tin môi trường tiền tệ ghi lại tất cả các hoạt động liên quan đến DN như vốn tài chính trong quá khứ - hiện tại - tương lai và dòng vốn của DN thể hiện trong các đơn vị tiền tệ. PEMA có chức năng hạch toán các hoạt động của doanh nghiệp có liên quan đến thông tin môi trường vật chất hay phi tiền tệ, bao gồm tất cả dòng nguyên vật liệu, năng lượng trong quá khứ, hiện tại và tương lai có tác động lên hệ sinh thái. Những thông tin này được thể hiện bằng các đơn vị vật lý hay còn gọi là các đơn vị phi tiền tệ như tấn, tạ, yến, kg, m2, m3, lit… Đây được xem như các hoạt động sản xuất của DN gây ra tác động bằng tiền, nhưng có thể định giá được hoặc không định giá được.

Thứ hai, KTQTMT bao gồm kế toán doanh thu môi trường (là khoản doanh thu do tái chế, khoản tiền trợ cấp, tiền thưởng nhờ các hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường, khoản thu từ sáng kiến - dự án có khả thi được xét duyệt trợ cấp hay doanh thu khác liên quan đến vấn đề môi trường như bán vật liệu thải, chất thải, xư lý nước thải cho đối tác) và kế toán chi phí môi trường (CP xử lý chất thải, CP ngăn ngừa - quản lý môi trường, CP phân bổ cho chất thải, CP tái chế)

2. Tính tất yếu của kế toán quản trị môi trường trong xu thế hiện nay

Với những nội dung của KTQTMT nêu trên thì quá trình xử lý thông tin của KTQTMT phục vụ cho việc ra quyết định bao gồm các tính toán vật chất như nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ, dòng luân chuyển vật tư và lượng vật chất bị loại bỏ hoặc xả thải và các tính toán tài chính có tính tiền tệ đối với chi phí (cả phần bỏ thêm và tiết kiệm được) doanh thu và thu nhập có liên quan đến các hoạt động có khả năng ảnh hưởng và tác động tiềm tàng đến môi trường (theo UNDSD). Kế toán truyền thống cung cấp thông tin cho các đối tượng liên quan, tuy nhiên trong xu thế hiện nay các bên liên quan rất quan tâm đến vấn đề môi trường thì kế toán truyền thống lại xuất hiện nhiều hạn chế như không tách biệt rõ khía cạnh môi trường, nghĩa là không phản ảnh các tác động của môi trường mà công ty gây ra trực tiếp hay gián tiếp như việc sử dụng nguyên vật liệu sản xuất gây tác động xấu đến nguồn nước - khí và công ty có thể bị xử phạt thì chi phí đó được thể hiện trong hệ thống tài khoản và sổ kế toán. Bên cạnh đó, kế toán truyền thống cũng không cung cấp thông tin về thiệt hại môi trường bao gồm thiệt hại tài nguyên thiên nhiên, chi phí xã hội cao, … không được phản ánh trong các báo cáo, từ đó hậu quả về tài chính và các vấn đề về sức khỏe sẽ không được chi trả đưa vào giá thành sản xuất và không ước lượng được ác rủi ro sẽ xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của thời gian cũng không được tính đến trong kế toán truyền thống như mức kinh phí được sử dụng để tạo ra các lợi ích sinh thái trong tương lai như các khoản chi làm giảm ô nhiễm, … Từ đó có thể khẳng định kế toán quản trị môi trường sẽ là một phần hành kế toán tất yếu khách quan để khắc phục những tồn tại trên của kế toán truyền thống. KTQTMT còn là khá mới với các DN Việt Nam nhưng áp dụng KTQTMT vào kế toán Việt Nam là rất cần thiết, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN hiện nay có liên quan tới những yếu tố môi trường xung quanh như môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

3. Xu hướng tác động của kế toán quản trị môi trường tới hiệu quả môi trường

Thực hiện KTQTMT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung, trong đó, KTQTMT giúp kiểm soát chi phí hoạt động và cải thiện môi trường nhờ vào việc kiểm soát chất thải gắn với nguồn phát sinh. KTQTMT sẽ hỗ trợ mọi quyết định về môi trường của các nhà quản lý trở nên chính xác và hiệu quả hơn, từ đó giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên hoặc ngăn ngừa ô nhiễm môi trường kém hiệu quả và đưa ra những định hướng trong tương lai. KTQTMT có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững đối với các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Kiểm soát chi phí hoạt động và cải thiện môi trường nhờ vào việc kiểm soát chất thải gắn với nguồn phát sinh. Như vậy có thể kết luận KTQTMT có xu hướng tác động cùng chiều với hiệu quả môi trường, nghĩa là thực hiện tốt KTQTMT sẽ tăng hiệu quả môi trường.

4. Xu hướng tác động của kế toán quản trị môi trường tới hiệu quả tài chính

KTQTMT giúp cải tiến hệ thống hạch toán hiện thể hiện qua việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán khoa học và gắn kết được các luồng thông tin từ các bộ phận của DN. KTQTMT giúp DN nhận dạng đầy đủ, xác định chính xác và phân bổ đúng đắn các khoản doanh thu, chi phí môi trường, quá trình định giá sản phẩm và xác định kết quả kinh doanh chính xác. Từ đó, DN có thể đưa ra những quyết định phù hợp về chiến lược sản phẩm, đầu tư thiết bị và công nghệ. Bên cạnh đó, ap dụng KTQTMT sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý. Việc thực hiện KTQTMT sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, giúp doanh nghiệp cải thiện quan hệ với chủ nợ, ngân hàng, cổ đông, khách hàng, … Nếu DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường thì đây sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển của DN, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong nước và toàn cầu, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn. Việc áp dụng KTQTMT vào DN sẽ làm hài lòng và củng cố lòng tin với các bên có liên quan. Các bên liên quan đối với DN không chỉ là người lao động trong DN, chịu ảnh hưởng lớn và tác động trực tiếp từ môi trường làm việc mà còn là các đối tượng bên ngoài DN như cơ quan chính phủ, các nhà đầu tư, các cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng dân cư xung quang bị ô nhiễm và những đối tượng quan tâm tới môi trường khác. Với những phân tích thì có thể kết luận KTQTMT có xu hướng tác động cùng chiều với hiệu quả tài chính, nghĩa là thực hiện tốt KTQTMT sẽ tăng hiệu quả tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Kim Ngọc (2013), Hướng dẫn kế toán môi trường của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện kế toán môi trường trong các DN Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số tháng 10/2013, tr91-96

2. Nguyễn Thị Nga (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các DN sản xuất thép tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ

3. Phạm Đức Hiếu (2010), Nghiên cứu giải pháp áp dụng kế toán môi trường trong các DN sản xuất ở Việt Nam, NCKH cấp Bộ.

Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Bích Ngọc

Trường Đại học kinh tế Nghệ An

Tạp chí in số tháng 3/2024
Bạn đang đọc bài viết Xu hướng tác động của kế toán quản trị môi trường tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận