Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD trong tháng 7
TCDN - Dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lao đao vì nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn thời gian giao nhận. Tuy nhiên đến tháng 7/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã phục hồi trở lại, đạt 1,05 tỷ USD, tăng tới 20,7% so với tháng 7/2019.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2020 chỉ đạt gần 700 triệu USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2019 và tháng 5/2020 chỉ đạt gần 772 triệu USD, giảm hơn 15% so tháng 5/2019.
Tuy nhiên, sang tháng 6 và tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã lội ngược dòng thành công và đạt mức tăng trưởng khá cao.
Cụ thể, tháng 6/2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 946,9 triệu USD, tăng 15,6%; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 769 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Sang tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng đạt 1,05 tỷ USD, tăng tới 20,7% so với tháng 7/2019; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 832 triệu USD, tăng 28,8%.
Lũy kế đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,44 tỷ USD, tăng 8,5%.
Theo báo VTV đưa tin, có nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng này. Đầu tiên, dịch COVID-19 khiến người dân nhiều nước phải ở nhà nhiều hơn, nhu cầu mua sắm đồ nội thất tăng lên. Thêm vào đó, Trung Quốc và một số quốc gia khác có thế mạnh về gỗ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn.
Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không có nhà máy nào bị phong tỏa hay ngừng hoạt động. Vì vậy, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống mà một số quốc gia để lại.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ. Điều này ít nhiều cũng giúp cho ngành gỗ Việt Nam tạo được lợi thế khi xuất khẩu vào Mỹ.
Theo TTXVN, theo bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Hương Nga Fine Arts, thông tin từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lây lan việc tìm kiếm khách hàng, đơn hàng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, sau khi đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến, doanh nghiệp lại nhận được nhiều sự quan tâm từ các khách hàng thuộc EU.
Trong khi khách hàng các khu vực khác đang chần chừ, xem xét, có vẻ như các khách hàng EU đã chủ động tìm kiếm nguồn cung, đối tác từ Việt Nam và việc chốt hợp đồng cũng nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, một lợi thế khác giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu EU chính là việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020, từ đó, giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh về giá tại thị trường EU.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899