Xuất khẩu hồ tiêu đạt hơn 910 triệu USD, đứng đầu thế giới
TCDN - Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hội thảo Thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo Hiệp định EVFTA ngày 21/12 tại Tp.HCM, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA cho biết năm 2022, hồ tiêu cũng như các ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam đều gặp bất lợi do tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế ở nhiều thị trường và chính sách “Không Covid-19” của Trung Quốc khiến sản lượng xuất khẩu giảm.
Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 14,9%, tương đương 37.015 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 34 triệu USD, tương đương 3,9%. Ước tính cả năm, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 230.000 tấn, giảm 13 % về sản lượng, đạt giá trị 970 triệu USD, tăng hơn 2% so với năm 2021. Nếu tính chung tất cả các loại gia vị, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1,5 tỷ USD.
Ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác như Brazil, Indonesia... về gia công, chế biến và xuất khẩu với giá trị cao hơn. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 34.273 tấn, tăng 48,9% so với cùng kỳ.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA nhận định, năm 2022 là một năm với nhiều yếu tố cực kỳ bất lợi, khiến các doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, xuất khẩu khó khăn. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, từ các hộ nông trồng tiêu tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều đó chứng minh ngành gia vị Việt Nam đang dần tạo được chỗ đứng trong chuỗi giá trị thế giới, nhất là vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu.
Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia... nhờ lợi thế từ EVFTA. Cụ thể, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Liên cũng cho rằng ngành hồ tiêu vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các thị trường, đặc biệt là thị trường EU. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại châu Âu rất lớn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mới tập trung vào một số thị trường chính như Đức, Anh, Hà Lan..., còn nhiều nước khác vẫn đang bỏ ngỏ, nhất là khu vực Đông Âu.
Với nhịp độ hiện tại, bà Liên cho rằng ngành hồ tiêu hoàn toàn có thể kỳ vọng sự bứt phá lớn hơn trong năm 2023 với sự ổn định thị trường, Trung Quốc mở cửa, nới lỏng chính sách Zero Covid,…
VPA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt, tận dụng các lợi thế, ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, Hiệp định khu vực tự do ASEAN, Việt Nam - EU,… để tăng thế mạnh cạnh tranh khi các nước đối thủ như Malaysia hay Ấn Độ chưa có các Hiệp định tương tự.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899