Xuất khẩu vào thị trường châu Âu: Thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ an toàn thích ứng với quy định mới
TCDN - Từ năm 2025, các quốc gia sẽ phải điều chỉnh và tích hợp các hoạt động thương mại hữu cơ để duy trì quyền tiếp cận, xuất khẩu sản phẩm vào thị trường châu Âu (EU). Điều này cũng phù hợp với xu hướng thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái của Việt Nam.
Liên tục được điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn
Trong những năm qua, lượng xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm của Việt Nam có xu hướng tăng. Tại thị trường Italy, lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu từ Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2023 đã tăng hơn 3,5 lần. Nếu như năm 2020 lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu là 61,2 tấn thì năm 2023 đã tăng lên 278,4 tấn.
Theo số liệu thống kê, lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu từ Việt Nam vào EU năm 2023 là 12.471 tấn, tương ứng với 0,5% tổng lượng nhập khẩu vào EU cho thấy dư địa mở rộng thị trường này còn rất lớn. Các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam nhập khẩu vào EU gồm: Tiêu và gia vị, quế, hạt khô, hạt điều, bơ, bột cacao, gạo, dầu dừa...
Mặc dù là thị trường tiềm năng nhưng các quy định về nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ của EU đang được điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn. Ngay trong tháng 11/2024, EU đã ban hành các quy định điều chỉnh mới liên quan đến công nhận các đơn vị chứng nhận và cấp chứng nhận hữu cơ nhập khẩu vào EU. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược mà EU cho là sẽ quản lý chặt lại tình hình thực tế đối với các sản phẩm hữu cơ.
Ông Renzo Moro, chuyên gia nông nghiệp của Đại sứ quán Italy tại Việt Nam cho biết năm 2025 sẽ là năm có các quy định mới về nông nghiệp hữu cơ của EU. Theo đó, luật mới tập trung vào 2 vấn đề: Thúc đẩy sản phẩm hữu cơ và các chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hữu cơ. Những quy định mới này đều liên quan đến nhà sản xuất, nhà phân phối, do đó việc tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm hữu cơ là rất quan trọng.
“Những năm gần đây, sản lượng nhập khẩu sản phẩm hữu cơ vào Italy liên tục tăng và Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng. Các quy định mới của EU sẽ đặt ra những thách thức đối với các nước thứ ba như Việt Nam. Từ năm 2025 trở đi, các nước này cần phải điều chỉnh và tích hợp các hoạt động thương mại hữu cơ để duy trì quyền tiếp cận thị trường châu Âu. Để hỗ trợ Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định mới, các chuyên gia từ Italy sẽ tập trung vào các quy trình xuất khẩu sang thị trường châu Âu và chia sẻ những thực hành tốt nhất tại Italy,” ông Renzo Moro nói.
Ông Aldo de Luca, Phó Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam cho biết Việt Nam và Thuỵ Sỹ đã có nhiều cam kết trong việc xây dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Các chương trình hợp tác cụ thể giữa Thụy Sỹ và Việt Nam gồm: Chương trình về tiêu chuẩn và chất lượng toàn cầu giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường quốc tế; Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân vừa và lớn trong sản xuất nông sản: Kết nối người nông dân với thị trường quốc tế, cung cấp thông tin thị trường và các chương trình xúc tiến thương mại; Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hữu cơ: Hợp tác với các trường đại học Việt Nam để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và mô hình canh tác truyền thống.
Ông Aldo de Luca khẳng định Thụy Sỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Các chương trình hợp tác sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ đa dạng sinh học. Thụy Sỹ tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ đạt được những thành công nhất định và trở thành nền tảng cho hợp tác trong tương lai.
Sản phẩm xuất khẩu chủ lực bắt nhịp được với thị trường
Để có thể tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường EU, trong năm 2024, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm hiểu những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trước đây chúng ta bán ra thị trường những gì ta có nhưng bây giờ đã bán những sản phẩm mà thị trường cần. Chúng ta đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm hiểu những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường để tổ chức sản xuất cho phù hợp. Tổ chức sản xuất là động lực còn thị trường chính là đầu kéo.
“Trong hành trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hơn, các sản phẩm nông nghiệp ngày càng tỏa sáng ở thị trường thế giới. Những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực ngày càng bắt nhịp được với thị trường thế giới. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị hơn nữa cần có vùng nguyên liệu an toàn gắn chặt với sơ chế, chế biến” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Chia sẻ về các chính sách của Việt Nam, bà Bùi Mỹ Bình, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 với 16 mục tiêu cụ thể. Hiện nay, các cơ quan đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành; xây dựng bộ chỉ số theo dõi và đánh giá quá trình chuyển đổi, từ cấp quốc gia đến địa phương.
Theo bà Bình, các ưu tiên và giải pháp chính của Việt Nam sẽ tập trung vào tăng cường khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp với biến đổi khí hậu, thông qua áp dụng nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên bền vững; giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho hay, thời gian gần đây, nhiều chính sách liên quan Nông nghiệp sinh thái đã được đề cập, như Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13; Chiến lược phát triển nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững đến 2030 (3/2023)…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa nông nghiệp sinh thái vào trong nhiều Đề án, như: Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành tháng 12/2023); Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 (ban hành tháng 12/2023); Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 (ban hành tháng 6/2024); Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành tháng 10/2024).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899