Yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách về BOT và BT

07/04/2020, 08:57

TCDN - Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 43 diễn ra mới đây.

Nhiều vấn đề liên quan đến dự án BTO, đặc biệt là BOT giao thông hiện vẫn đang khá rối, chưa thật rõ ràng minh bạch trong quá trình kinh doanh.

Nhiều vấn đề liên quan đến dự án BTO, đặc biệt là BOT giao thông hiện vẫn đang khá rối, chưa thật rõ ràng minh bạch trong quá trình kinh doanh.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại các vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư; các cơ chế, chính sách để phù hợp với từng loại dự án BOT, BT...

Cụ thể, về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Thường cụ Quốc hội nhấn mạnh đây là luật khó, phức tạp, cần hết sức thận trọng, tiếp tục rà soát bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cơ quan này đề nghị rà soát lại các vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư; nghiên cứu quy mô đầu tư tối thiểu; làm rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án PPP; rà soát kỹ về các cơ chế, chính sách để phù hợp với từng loại dự án (BOT, BT, BOO...)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ những nội dung mang tính chất đặc thù cho phép áp dụng khác so với các luật liên quan đối với phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) ngay tại các điều, khoản của dự thảo Luật.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP theo tinh thần việc gì doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm được thì để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm; Nhà nước chỉ làm lĩnh vực đầu tư công khó khăn về thu hút vốn cần có sự tham gia, cùng thực hiện của Nhà nước và tư nhân.

Cùng với đó là làm rõ về các chính sách của Nhà nước đối với các dự án PPP nhất là đối với dự án mà ngân sách nhà nước sẽ tham gia và phải làm rõ mức độ tham gia, như giải phóng mặt bằng, dự án mang tính chất hỗ trợ, dự án có sự đầu tư góp vốn, quá trình quản lý vốn, quản lý tài sản, thu hồi vốn của Nhà nước.

Tiếp tục rà soát lại các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư một cách hợp lý; làm rõ khi nào thì chia sẻ rủi ro và chia sẻ ở mức nào, trường hợp rủi ro nào thì Nhà nước tham gia chia sẻ, trường hợp rủi ro nào thì nhà đầu tư chịu theo cơ chế thị trường. Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, phải xem xét chỉ cho điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ở mức độ có thể chấp nhận được sau khi đã sử dụng hết chi phí dự phòng.

Cân nhắc thời điểm, giai đoạn kiểm toán đối với dự án PPP; vấn đề giám sát cộng đồng không để tạo ra những thủ tục hành chính không cần thiết và gây khó khăn.

Liên quan đến dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sửa đổi 10 nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa ra 2 phương án (cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện) để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cần thiết gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để Quốc hội quyết định.

Đồng thời cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi bổ sung vào dự thảo Luật về quy định bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh bị cấm theo ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội; rà soát danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là việc sửa đổi 19 ngành, nghề và việc bổ sung thêm 6 ngành, nghề cũng cần đánh giá rõ tác động và tiếp tục rà soát.

Cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần cân nhắc giữa việc xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh hay quy định thành một chương trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình hai phương án để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách về BOT và BT tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan