Bài toán phòng vệ rủi ro về giá cà phê tại Việt Nam

28/04/2020, 09:28

TCDN - Thay vì thành lập các trung tâm/sở giao dịch hàng hóa nội địa, Việt Nam đã thực hiện kết nối giao dịch trong nước với các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế thông qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV).

Tại Việt Nam, trong nhiều năm Chính phủ đã thực hiện biện pháp tạm trữ và từ năm 2000, các trung tâm/sở giao dịch hàng hoá được thành lập tại nhiều tỉnh thành trong cả nước tập trung giao dịch mặt hàng nông sản như Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) được thành lập năm 2008 và Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) được thành lập năm 2011 để phòng vệ rủi ro về giá.

Tuy nhiên sản lượng cà phê giao dịch trên BCEC và số lượng người tham gia giao dịch thấp, chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của mình. Chính vì vậy, đã có những thay đổi trong định hướng sử dụng các sản phẩm phái sinh làm công cụ phòng vệ về giá cho cà phê Việt Nam: Thay vì thành lập các trung tâm/sở giao dịch hàng hoá nội địa, Việt Nam đã thực hiện kết nối giao dịch trong nước với các sàn giao dịch hàng hoá quốc tế thông qua Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV). Đây là định hướng phù hợp trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, do những ưu điểm vượt trội như sự nhanh chóng (có thể giao dịch ngay), đảm bảo tính thanh khoản, chi phí giao dịch thấp, độ tin cậy và an toàn cao… 

11-1

1. Phòng vệ rủi ro về giá đối với cà phê Việt Nam: Tạm trữ và giao dịch phái sinh

Biến động giá là thách thức lớn nhất mà ngành cà phê đang phải đối mặt hiện nay. Cụ thể, vào năm 2001, ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt với giá cà phê xuống thấp hơn cả chi phí sản xuất. Chỉ 10 ngày đầu tiên của tháng 10/2001, một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2, giao ngay với giá chỉ có 255-260 USD/tấn, bằng một nửa giá thành và thấp hơn giá chào bán của các đơn vị khác tới 35-40 USD/tấn (Giá cà phê, 2001). Theo Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam - VICOFA (2001), Việt Nam có 130 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê nhưng chỉ có 15 doanh nghiệp đạt mức xuất khẩu trên 10.000 tấn/năm, số còn lại xuất khẩu nhỏ lẻ. Lượng cà phê xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2001 của Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ năm trước (Bộ Thương mại, 2001). Ngày 10/10/2001, giá cà phê vối tại Đồng Nai giảm 400 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg, tại Lâm Đồng giá cà phê giảm còn 3.500 đồng/kg. 

Trước những diễn biến này, Chính phủ Việt Nam đã phải thực hiện các biện pháp khác nhau để phòng vệ rủi ro về giá cà phê (trong đó, tiêu biểu nhất là chính sách tạm trữ), đặc biệt là trong các năm giá cà phê rất thấp.

Tạm trữ là biện pháp nhằm giúp người nông dân có thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất. Chính sách tạm trữ này được Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam (VICOFA) trình lên Chính phủ phê duyệt, sẽ được quy định cụ thể về thời gian và sản lượng tạm trữ. Để đề xuất được sản lượng nông sản phải dự trữ ở Việt Nam là bao nhiêu, VICOFA dựa trên nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế của mình để dự báo sản lượng nông sản sản xuất tại Việt Nam cũng như dự báo mức biến động giá trên thế giới. Sau khi chính sách được thông qua, Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất để cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng mua tạm trữ nông sản nhằm tránh hiện tượng nông dân bị ép giá khi lượng cung lớn hơn lượng cầu (Nguyễn Thị Nhung và Trần Thị Thanh Tú, 2017).

Trên thực tế, ở Việt Nam nhiều người nông dân không thực sự được hưởng nhiều từ chính sách này. Theo Gilbert (1996), người nông dân không được hưởng bao nhiêu trong phần hỗ trợ này của Chính phủ và chính sách tạm trữ có nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả và chi phí của biện pháp này. Thông thường, nông dân sẽ bán sản phẩm ngay khi sau thu hoạch để trang trải những khó khăn của mình (tiền nợ, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, tái đầu tư,…) dù là giá cao hay giá thấp, chỉ có những hộ nông dân có điều kiện kinh tế mới có thể tạm trữ chờ giá cao rồi mới bán.

Hơn nữa, mối quan hệ lỏng lẻo giữa người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất/thu mua/xuất khẩu nên chính sách tạm trữ không có ý nghĩa đối với nhiều người nông dân. Ngoài ra, mặc dù những doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ về lãi suất vay vốn nhưng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp có đủ để vay vốn lớn mua tạm trữ hay không? Thủ tục vay vốn ngân hàng có được nhanh chóng khi việc tạm trữ chỉ trong ngắn hạn? Thời gian thu mua nông sản có diễn ra như mong muốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải chi một số tiền lớn cho hệ thống kho bãi để lưu trữ. Trong thời gian đầu, giá đang thấp nhưng để thực hiện xong các vấn đề này thì giá lúc đó đã tăng trở lại và do đó doanh nghiệp sợ rủi ro, không dám thu mua nữa. Trong việc thu mua tạm trữ này, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ chủ động phối hợp với những Bộ, ngành liên quan tiến hành giám sát việc mua cà phê tạm trữ của các doanh nghiệp và việc hỗ trợ lãi suất nêu trên. Trên thực tế, chính sách tạm trữ được thực hiện không hiệu quả vì cách thức mà giá cà phê thường vận hành. Một điều kiện cần có để chính sách tạm trữ khả thi là giá cà phê quay trở lại giá trị trung bình của nó, nhưng chỉ đối với thời gian rất dài, thời gian trung bình để giá cà phê quay trở lại được đo theo năm ( không phải theo tháng) (Phương, 2013).

Như vậy, cần phải có số vốn rất lớn để tài trợ cho chính sách tạm trữ này thì mới có hiệu quả, vì số vốn nhỏ thì chỉ thực hiện được trong ngắn hạn không mang lại nhiều hiệu quả trong dài hạn. Một vấn đề nữa đối với chính sách tạm trữ trong nước này là chúng tái phân phối rủi ro trong nước (thường là từ người sản xuất cà phê sang chính phủ) chứ không phải là đa dạng hóa rủi ro nước ngoài cho các đơn vị có khả năng tốt hơn gánh chịu rủi ro này (Phương, 2013). Ngoài ra, chính sách tạm trữ không hiệu quả còn do các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đến chính sách này chưa thực sự hợp tác với nhau và các cơ quan cũng chưa can thiệp sâu vào việc tạm trữ này. Vì vậy, để thực hiện được chính sách này cần tốn rất nhiều chi phí mà hiệu quả đem lại cũng không cao. Tóm lại, chính sách tạm trữ, về bản chất, được thiết kế để cung cấp hỗ trợ tài chính nhằm điều chỉnh sự biến động giá hoặc những cú sốc sản lượng từ bên ngoài, chứ nó không cung cấp công cụ quản trị rủi ro về giá để có kế hoạch chuẩn bị từ trước khi có sự biến động bất thường xảy ra.

Chính vì những hạn chế này cùng với sự học hỏi kinh nghiệm và đi theo xu hướng thế giới, sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đã ra đời. Cụ thể, từ năm 2000, Chính phủ đã đổi mới phát triển thị trường nông nghiệp bằng cách cho phép việc phát triển thị trường giao sau thông qua các trung tâm/sở giao dịch hàng hóa (Nguyễn Thị Nhung và Trần Thị Thanh Tú, 2017). Đối với mặt hàng cà phê, có Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BUONMATHUOT Coffee Exchange Center - BCEC) được thành lập vào năm 2008 và Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (Vietnam Commodity Exchange - VNX) đi vào hoạt động từ năm 2011. Chính phủ muốn phát triển BCEC và VNX với mục đích quan trọng nhất là để phòng vệ rủi ro cho người sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả giao dịch kỳ hạn trên cả BCEC và VNX đều không diễn ra như những gì đã kỳ vọng. BCEC đã tạm thời đóng cửa vào năm 2012 để chuyển thành Công ty Cổ phần Sở giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma thuột (BCCE) vào tháng 3/2016 (Nguyễn Thị Nhung, 2017), tính từ thời điểm đó đến nay BCCE vẫn chưa đi vào hoạt động. Còn đối với VNX, cũng chỉ hoạt động không lâu sau đó và tạm thời đóng cửa vào tháng 8/2012 với lý do là sự cố trên hệ thống máy tính (Nguyễn Thị Nhung, 2017). Lý do mà cả BCEC và VNX đều phải tạm thời đóng cửa là vì không thu hút được đông đảo người sản xuất cũng người kinh doanh khiến thị trường mất đi tính thanh khoản. 

Vào tháng 8/2019, một lần nữa sở giao dịch hàng hóa lại tiếp tục đi vào hoạt động với tên gọi là Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV). Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) có 04 chức năng chính, bao gồm: (i) Bảo hiểm giá, (ii) Tạo lập thị trường, (iii) Thu thập và phổ biến thông qua thị trường, (iv) Phân loại hàng hoá.

2. Giao dịch hợp đồng tương lai cà phê qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)

Ngày 08/06/2018, Bộ Công Thương chính thức ký giấy phép số 486/GP-BCT thành lập Sở Giao dịch Hàng hóa với tên gọi mới tiếng Việt là Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam và tiếng Anh là Mercantile Exchange of Viet Nam (MXV). Ngày 17/08/2018, MXV đi vào vận hành với 40 mặt hàng chủ lực, là sản phẩm thế mạnh và có nhu cầu đầu tư lớn tại thị trường Việt nam, bao gồm các loại hàng hóa: nông sản, nguyên liệu công nghiệp nhẹ, nguyên liệu công nghiệp nặng, năng lượng và kim loại.  

MXV là Sở Giao dịch Hàng hóa quy mô cấp quốc gia tại Việt Nam với vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. MXV thực hiện tất cả các nghiệp vụ thị trường gồm giao dịch, bù trừ và chuyển giao thanh toán, đảm bảo đồng bộ, tránh tách biệt giữa hoạt động giao dịch và bù trừ. Đây là cơ chế hiệu quả nhất đang được áp dụng tại các thị trường tiên tiến trên thế giới, đảm bảo quá trình xử lý sau giao dịch được xuyên suốt, tốc độ xử lý giao dịch - bù trừ nhanh chóng, thông tin thống kê chính xác nhất.

Về tiêu chuẩn chất lượng: MXV tuân thủ theo quy định của sản phẩm cà phê Robusta và cà phê Arabica giao dịch trên Sở Giao dịch Hàng hóa ICE EU và ICE US. Cà phê Robusta và cà phê Arabica được chấp nhận giao dịch là cà phê Robusta và cà phê Arabica loại 1, loại 2 và loại 3, đáp ứng được tiêu chuẩn giao nhận của sở giao dịch hàng hóa ICE EU và ICE US. Phân loại cà phê Robusta và cà phê Arabica được đối chiếu với phương pháp phân loại cà phê của SCAA (Specialty Coffee Association of America Hiệp hội cà phê Mỹ) như dưới đây:

Ba trăm gram hạt cà phê đã được sử dụng để dùng làm mẫu thử với các lỗ sàng kích cỡ 14, 15, 16, 17 và 18. Các hạt cà phê được giữ lại trên lỗ sàng sẽ được cân đo khối lượng và tính toàn tỷ lệ phần trăm còn giữ lại được sau khi qua lỗ sàng.

- Cà phê loại 1: Các hạt cà phê nhân không có hơn 5 khiếm khuyết trên 300 gram cà phê. Không có lỗi cơ bản đối với nhân cà phê. Tối đa 5% khối lượng nằm trên lỗ sàng sử dụng. Cà phê đặc biệt có ít nhất một đặc tính phân biệt trong hạt, hương vị, mùi thơm hoặc độ chua. Không có hạt lỗi, hạt thối và nhân non. Độ ẩm từ 9-13%.

- Cà phê loại 2: có không quá 8 khiếm khuyết hoàn toàn trong 300 gram. Lỗi cơ bản đối với nhân cà phê là được phép. Tối đa 5% khối lượng nằm trên lỗ sàng sử dụng. Phải có ít nhất một đặc tính phân biệt trong nhân như hương vị, mùi thơm, hoặc vị chua. Không được có hạt lỗi và chỉ có thể chứa 3 nhân non. Hàm lượng ẩm từ 9-13%.

- Cà phê loại 3: có không quá 9-23 khuyết tật đầy đủ trong 300 gram. Nó phải đạt được 50% trọng lượng trên lỗ sàng kích cỡ 15 với không quá 5% trọng lượng trên lỗ sàng kích cỡ dưới 14. Tối đa có 5 nhân non cà phê. Độ ẩm đạt từ 9-13%.

- Cà phê loại 4: 24-86 nhân lỗi trong 300 gram.

- Cà phê loại 5: Hơn 86 khiếm khuyết trong 300 gram.

Về thành viên, tính đến cuối năm 2019, Sở giao dịch MXV có 12 thành viên, trong đó có 9 TVKD và 3 TVMG

Để thực hiện giao dịch hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn hàng hóa niêm yết trên Sở giao dịch nước ngoài thông qua MXV, khách hàng phải mở tài khoản giao dịch hàng hóa tại thành viên giao dịch của MXV. Khách hàng được mở nhiều tài khoản giao dịch hàng hóa theo nguyên tắc tại mỗi thành viên giao dịch chỉ được mở một tài khoản giao dịch.

Khi thực hiện giao dịch, khách hàng chỉ cần ký quỹ một tỷ lệ nhất định so với giá trị các hợp đồng giao dịch. Ký quỹ trên MXV là một khoản tài sản được sử dụng để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.

11_Bang1

3. Kết luận 

Như vậy có thể thấy, cà phê - mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề phòng vệ trước những rủi ro về giá. 

Thứ nhất, sản xuất cà phê bị tác động nhiều bởi điều kiện tự nhiên như biến đổi khí hậu, thiên tai và suy thoái đất đai. Những tình trạng biến đổi khí hậu thất thường như lượng mưa trái mùa dồi dào hay thời kỳ hạn hán kéo dài gây nhiều cản trở cho người trồng cà phê tại Việt Nam.

Thứ hai, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu kế hoạch làm cho sức cạnh tranh, năng suất và hiệu quả kinh tế chưa được cao, thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ (Viện những Vấn đề Phát triển, 2018). Phần lớn nông dân trồng cà phê Việt Nam là các chủ nông trại nhỏ lẻ, phân tán, chưa có điều kiện tiếp cận vốn và công nghệ.

Thứ ba, tính chất thời vụ của thu hoạch cà phê là nhân tố chính gây khó khăn cho việc “điều hòa” quan hệ cung cầu trên thị trường. Giá cà phê thấp khi vụ mùa tốt và ngược lại, giá sẽ cao khi vụ mùa không tốt hay có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Người nông dân Việt Nam phải đối mặt với sự không chắc chắn về sản lượng được sản xuất ra và mức giá mà họ sẽ bán, đặc biệt là khi tham gia thị trường thế giới - nơi mà có vô số nguồn cung cũng như cầu, việc dự đoán giá là rất khó. Vì vậy để phòng vệ các rủi ro về giá của người nông dân cũng như nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư, việc hình thành và phát triển thị trường giao sau tại Việt Nam nói riêng và hầu hết các nước đang phát triển nói chung là rất cần thiết.

Trên cơ sở những hiểu biết về bức tranh toàn cảnh cà phê Việt Nam cũng như những hiểu biết về các công cụ phái sinh, đặc biệt là hợp đồng tương lai, nghiên cứu mạnh dạn đưa ra một số khuyến nghị mang tính chất ngắn và dài hạn đối với Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương cũng như Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam MXV và nhà sản xuất, kinh doanh cà phê Việt Nam.

Thứ nhất, đối với Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương: i) Hỗ trợ thúc đẩy quá trình sản xuất tập trung và liên kết trong sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về khối lượng của hợp đồng tương lai cà phê; ii) Nâng cao nhận thức về thị trường hàng hóa nông sản; iii) Đưa ra các giải pháp hướng dẫn, giúp đỡ người nông dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam; iv) Khuyến khích sự tham gia sâu rộng vào thị trường tương lai của các trung gian tài chính, đặc biệt là NHTM.

Thứ hai, đối với Sở giao dịch MXV: i) Đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của sở giao dịch MXV; ii) Quy định chặt chẽ đối với các thành viên giao dịch; iii) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin.

Thứ ba, đối với nhà sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam: i) Chủ động trong việc nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về các công cụ phòng vệ rủi ro về giá như hợp đồng tương lai; ii) ii) Chủ động đẩy mạnh phát triển và thực hiện các mô hình sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị; iii) Tăng cường khả năng dự báo thị trường bằng cách liên kết với các công ty, tổ chức chuyên tư vấn.

Tài liệu tham khảo

1. Gilbert, C. (1996). International Commodity Agreements: An obituary notice. World Development, 24(1), 1-19.

2. Mai Phương, & Đăng Lâm. (2019). Tưới tiết kiệm cho cà phê - xu hướng tất yếu. From Cục trồng trọt: http://www.cuctrongtrot.gov.vn/TinTuc/Index/4416

3. Nguyễn Hoàng Mỹ Phương. (2013). Quản trị rủi ro giá nông sản nhìn từ thị trường cà phê Việt Nam.

4. Nguyễn Thị Nhung. (2017). Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam: Trường hợp giao dịch kỳ hạn cà phê. Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh (ĐHKT-ĐHQGHN), Số 3/2017.

5. Nguyễn Thị Nhung, & Trần Thị Thanh Tú. (2017). Sở giao dịch dành cho các mặt hàng nông sản: Kinh nghiệm của các quốc gia và hàm ý cho Việt Nam. Tạp chí ngân hàng, Số 12 - 06/2017.

Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Đình Cường

Trần Thị Hồng, Nguyễn Như Ngân

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Tạp chí in số tháng 4/2020
Bạn đang đọc bài viết Bài toán phòng vệ rủi ro về giá cà phê tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan