Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng hơn 1.400 tỷ cho cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh

28/07/2023, 20:35
báo nói -

TCDN - Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất tăng hơn 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh do chi phí giải phóng mặt bằng tăng.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được đề xuất điều chỉnh tăng khoảng 1.439 tỷ đồng, từ hơn 4.770 tỷ đồng lên khoảng 6.209,7 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn dự án cũng có sự thay đổi đáng kể, trong đó vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) khoảng 4.462,47 tỷ đồng (tương đương 188,12 triệu USD) được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Vốn đối ứng khoảng 1.747,3 tỷ đồng được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước như chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án do chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng khi được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế.

Chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng tăng tương ứng khoảng 372 tỷ đồng.

Tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thực hiện công tác khảo sát chi tiết, chỉ thiết kế sơ bộ trên bản đồ số.

Báo cáo nghiên cứu khả thi đã căn cứ kết quả khảo sát, tính toán điều chỉnh giảm 6 cầu. Tuy nhiên, kết cấu nhịp, chiều dài các cầu có sự điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm các yếu tố kỹ thuật. Giá trị tổng mức đầu tư tăng khoảng 423 tỷ đồng. Chiều dài phần đường giảm khoảng 490m, tương ứng giá trị giảm khoảng 51 tỷ đồng.

Đơn giá cũng tăng tương ứng khoảng 416 tỷ đồng. Nguyên nhân là do đơn giá, định mức tại thời điểm lập tổng mức đầu tư bước báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 10/2022) tăng so với đơn giá tại thời điểm lập, trình chủ trương đầu tư dự án (tháng 10/2020).

Hai yếu tố khác cũng dẫn đến tăng chi phí xây dựng do chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng; Chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng.

Cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2203/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 với tổng chiều dài hơn 27km, quy mô 4 làn xe hạn chế đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 dài 16km qua địa phận tỉnh Đồng Tháp. Dự án thành phần 2 dài hơn 11km đi qua địa phận Đồng Tháp và Tiền Giang.

Giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 17m, vận tốc khai thác 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim) dự kiến khoảng 3.677,2 tỷ đồng (tương đương 158,8 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Gia Linh
Bạn đang đọc bài viết Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng hơn 1.400 tỷ cho cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan